Phê duyệt Đề án thí điểm “Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” trên địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy (06:11 18/07/2019)


HNP - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3723/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án thí điểm “Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” trên địa bàn quận Ba Đình, quận Cầu Giấy.

Được thực hiện trong 2 năm (2019 - 2020), việc thí điểm Đề án nhằm hạn chế các hoạt động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật trong cơ sở, tạo môi trường minh bạch trong hoạt động kinh doanh; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh không có tệ nạn xã hội, được triển khai thực hiện tại 04 phường thuộc quận Ba Đình và quận Cầu Giấy. Tiêu chí lựa chọn phường thực hiện thí điểm: Trên địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn xã hội; các cơ sở đa dạng về loại hình kinh doanh dịch vụ; có nhiều người lao động làm việc tại cơ sở; ưu tiên lựa chọn những phường có cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đối tượng tham gia gồm: Người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn xã hội được quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; Chủ cơ sở, người sử dụng lao động (người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật) của cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn xã hội được quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương; Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp; Các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện Đề án.

Về nội dung thực hiện, sẽ thiết lập, duy trì và phát triển thành viên nhóm đồng đẳng, cụ thể, thiết lập 02 nhóm đồng đẳng (01 quận/nhóm), gồm 05 thành viên/nhóm để trở thành điểm đến trao đổi thông tin, hỗ trợ người lao động trong việc tự bảo vệ quyền của người lao động trong quá trình làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và huy động sự ủng hộ tham gia của các cơ quan liên quan cho hoạt động của nhóm.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các bên liên quan; Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho Ban Chủ nhiệm, tiếp cận viên, tuyên truyền viên; Tổ chức các hội thảo, đối thoại với các bên liên quan về đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của người lao động và các hoạt động can thiệp, tư vấn hỗ trợ người lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ: Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp giữa các thành viên nhóm và hỗ trợ chuyển gửi người lao động đến các dịch vụ hỗ trợ như: Y tế, trợ giúp pháp lý, hành chính, tư vấn học nghề ngắn hạn và tạo việc làm, mô hình kinh doanh, sinh kế...

Tổng kinh phí thực hiện Đề án thí điểm: 500 triệu đồng (Năm trăm triệu đồng); bao gồm: Kinh phí năm 2019: 250 triệu đồng, trong đó: Cấp Thành phố: 165,4 triệu đồng. Cấp quận (Ba Đình, Cầu Giấy): 84,6 triệu đồng. Kinh phí năm 2020: dự kiến 250 triệu đồng.


Nhật Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t