Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân và quảng bá sản phẩm sáng tạo làng nghề truyền thống (16:33 07/03/2023)


HNP - Thiết thực chào mừng kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, kỷ niệm 1983 năm cuộc khởi Nghĩa Hai Bà Trưng, sáng 7/3, tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ & Làng nghề Hà Nội tổ chức Chương trình Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân và quảng bá sản phẩm sáng tạo làng nghề truyền thống.

Các đại biểu và các nghệ nhân tham gia chương trình


Đây là dịp ôn lại lịch sử đấu tranh đầy tự hào của phụ nữ và là hoạt động thiết thực ghi nhận những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô trong bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức mời đến các khách mời là 52 nghệ nhân nữ tiêu biểu đến từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố, đại diện cho gần 600.000 phụ nữ làng nghề. Tại chương trình, Hội LHPN thành phố Hà Nội và Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề đã Vinh danh 10 Nữ nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho bảo tồn phát triển làng nghề, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của Hội LHPN và địa phương.
 
Tham dự chương trình, các đại biểu được chứng kiến phần trình diễn nghề độc đáo, sáng tạo khéo léo của các nữ nghệ nhân, thợ giỏi và đã cùng thăm quan, trải nghiệm  sản phẩm sáng tạo của các làng nghề Hà Nội trưng bày, quảng bá tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, một công trình văn hoá độc đáo do nữ nghệ nhân Hà Thị Vinh khởi xướng và đầu tư xây dựng. Các nội dung chương trình sẽ khẳng định sự đổi mới, sáng tạo, tài năng và những quyết tâm giữ lửa làng nghề của phụ nữ Thủ đô, góp phần xây dựng thành phố Hoà bình, sáng tạo và thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
 
Các Nữ nghệ nhân tiêu biểu được vinh danh tại Chương trình
 
Trong thời gian tiếp theo, để phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, các Hiệp hội làng nghề tại địa phương, gắn với thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nông thôn mới”, trong đó, tập trung: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của làng nghề và hỗ trợ tiếp cận các chính sách phát triển làng nghề; vận động nữ nghệ nhân, thợ giỏi tham gia truyền nghề, nhân cấy nghề, nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề; Khuyến khích phụ nữ làng nghề năng động, sáng tạo, tạo ra các sản phẩm làng nghề tinh tế, độc đáo, có giá trị kinh tế cao mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống; Hỗ trợ phụ nữ phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tại làng nghề. Đặc biệt, đề xuất với Thành ủy, UBND có thêm các chính sách bồi dưỡng phát triển nữ Nghệ nhân, Thợ giỏi làng nghề, phố nghề và tổ chức các sự kiện tôn vinh Nữ nghệ nhân, thợ giỏi, phát động phụ nữ bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống và đổi mới, sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Hà Nội Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại Chương trình
 
Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thu Thủy đã ôn lại lịch sử Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đồng chí nhấn mạnh, phát huy khí phách của Hai Bà Trưng và tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động thế giới, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã viết tiếp những trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống “Anh hùng - Bất khất - Trung hậu - Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam đã và đang tạo nên những động lực mạnh mẽ để phụ nữ Thủ đô không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trau dồi tri thức, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, khẳng định vị thế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và thực hiện bình đẳng giới. Trong đó có những người phụ nữ ở lĩnh vực làng nghề trên địa bàn Thành phố.
 
Các nữ nghệ nhân tham gia giao lưu, chia sẻ, quảng bá sản phẩm làng nghề
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, Hà Nội được gọi là vùng đất trăm nghề với 1.350 làng có nghề, trong đó 318 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, chiếm 35% số làng nghề có nghề trong cả nước. Lao động nữ chiếm 65% trong tổng số lao động tại các làng nghề, giữ vai trò quan trọng trong việc "giữ lửa" làng nghề. 
 
Trong ba năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề, Hội Làng nghề các địa phương, bằng nhiều hình thức tuyên truyền các chủ trương phát triển làng nghề tới 19.780 phụ nữ; 1.870 lao động nữ làng nghề được bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề; 12 Dự án ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ khởi nghiệp từ làng nghề được Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội công nhận trong các cuộc thi ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô; 422 chủ thể tại làng nghề đựơc hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP và kết nối xúc tiến thương mại. Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tín chấp ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ 153.084 phụ nữ được vay tổng số vốn 7.605 tỷ đồng để phát triển kinh tế, trong đó, có 38.250 phụ nữ tại các làng nghề được vay.
 
Các hoạt động Hỗ trợ của Hội LHPN đã thúc đẩy phụ nữ các làng nghề tự tin, năng động, đổi mới sáng tạo, nâng cao tay nghề, nhiều chị trở thành những nghệ nhân, thợ giỏi làm ra những sản phẩm làng nghề đa dạng về chủng loại, kỹ thuật thủ công tinh tế có uy tín tại thị trường trong nước và Quốc tế. Không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, đóng góp nhiều tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, phụ nữ các làng nghề còn nhiệt tình truyền nghề, nhân cấy nghề tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tích cực hưởng ứng các hoạt động cộng đồng.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thu Thủy mong rằng thông qua chương trình hôm nay sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa tinh hoa làng nghề Hà Nội, trách nhiệm của mỗi người và cả cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị nghề và làng nghề truyền thống, phát triển du lịch làng nghề. Đây cũng là nội dung góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU, Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phô thông minh, sáng tạo”. 
 
Các nữ nghệ nhân làng nghề giới thiệu về sản phẩm do bàn tay tài hoa của mình tạo ra
Nữ nghệ nhân làng nghề thao tác, giới thiệu về cách tạo ra các sản phẩm
 
Trong khuôn khổ Chương trình, đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như trình diễn nghề của 17 nghệ nhân, thợ giỏi đại diện cho các làng nghề của Thủ đô; giao lưu với 3 nghệ nhân tiêu biểu; thăm quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống...

Trần Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t