Phòng, chống giảm thiểu rác thải nhựa: Sức lan tỏa sâu rộng (22:47 28/12/2020)


HNP - Thông qua nhiều hành động, cam kết cụ thể như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách…, công tác phòng, chống giảm thiểu rác thải nhựa năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo sức lan tỏa sâu rộng. Qua đó, đón nhận được quan tâm sự hưởng ứng rộng rãi, tích cực của cán bộ, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp…

Người tiêu dùng Thủ đô thay đổi thói quen dùng túi xách sử dụng nhiều lần, góp phần bảo vệ môi trường


Hiệu ứng tích cực
 
Nhận thức rõ được tầm quan trọng, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã thực hiện quyết liệt “nói không” với rác thải nhựa nói chung và trong lĩnh vực sản xuất, phân phối tiêu dùng nói riêng. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã triển khai việc không sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% sản phẩm nhựa khó phân hủy trong quá trình hoạt động tại công sở, tổ chức họp, hội nghị, hội thảo. Sở Tài chính Hà Nội cũng không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. 
 
Tại cơ sở, UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động phòng, chống giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon trên địa bàn bằng các hành động cụ thể, thiết thực… Nhằm thay đổi nhận thức tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, ngày 25/10/2019, về việc phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Cùng với đó, để hạn chế rác thải nhựa, các sở, ngành thành phố cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống rác thải nhựa. Đáng chú ý, Sở Công Thương đã tổ chức tuyên truyền đến các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố cam kết chung tay cùng UBND thành phố giảm thiểu rác thải nhựa; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần… Sở Tài nguyên và Môi trường đã thí điểm mô hình phân loại rác thải và tuyên truyền vận động hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhà ga, bến xe trên địa bàn thành phố. Kêu gọi các đơn vị quản lý nhà ga, bến xe ký cam kết không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trên xe khách, tàu…
 
Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức đoàn thể thuộc thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức tuyên truyền nhằm hạn chế phát thải túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đơn cử, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thành phố Hà Nội đã giới thiệu, cung cấp túi thân thiện với môi trường có thể sử dụng nhiều lần và dễ phân hủy cho hội viên. Trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã có 100% siêu thị, trung tâm thương mại đã ngừng bán, sử dụng túi nilon trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân…
 
Những hành động cụ thể, thiết thực
 
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống giảm thiểu rác thải nhựa, một số quận, huyện đã thực hiện thí điểm phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm sinh thái an toàn tại các trường tiểu học, mầm non; thí điểm mô hình “Không gian xanh - Carbon thấp”, trong đó, hỗ trợ xây dựng các sân chơi cho trẻ em với các thiết bị, nguyên liệu tái chế từ chai nhựa, túi nilon, lốp xe; vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; xây dựng bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Cũng thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn đã hướng đến mục tiêu mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa. Từ những hành động nhỏ, thiết thực như dùng làn, giỏ xách đi chợ thay thế cho túi nilon, đến việc tích cực tuyên truyền, vận động lan tỏa trong cộng đồng nhằm giảm dần và tiến tới “nói không” với rác thải nhựa sử dụng một lần…
 
Cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa không thể không nhắc đến những doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn thành phố. Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, có 140/170 siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố không sử dụng túi nilon khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng, đạt 83% mức độ hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao. Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên như giấy, gạo, tre nứa… tại các khu vực kinh doanh ăn, uống.
 
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã áp dụng các chương trình khuyến mại tặng quà đối với khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần như làn nhựa, túi vải, túi giấy… nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi nilon trong khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đáng chú ý, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce thuộc Tập đoàn MaSan đã triển khai hàng loạt giải pháp tổng thể “3 xanh” (Vinmart xanh; khách hàng xanh; nhà cung cấp xanh) tại 2.200 điểm bán lẻ Vinmart và Vinmart+; Công ty TNHH Aeon Việt Nam tổ chức khởi động và triển khai dự án giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần tại thành phố Hà Nội đối với hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon.
 
Công tác phòng, chống giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon tại hệ thống chợ cũng được các quận, huyện, thị xã và các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ đưa vào nhiệm vụ trọng tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Một số đơn vị sản xuất đã sở hữu công nghệ và từng bước chuyển đổi sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường từ nhựa phế thải hoặc các sản phẩm có khả năng tự hủy sinh học.
 
“Các hoạt động trên đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ đồng hành của cán bộ, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp cùng thành phố Hà Nội chung tay hành động, góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t