Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội: Tích cực mở rộng diện bao phủ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội (20:54 16/06/2020)


HNP - Với đặc thù là địa bàn có số lượng người lao động, doanh nghiệp, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng... đông nhất cả nước, trong thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã thực hiện tốt mục tiêu mở rộng diện bao phủ, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô.

LLãnh đạo thành phố trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2018 cho BHXH TP Hà Nội và các đơn vị


Đến nay, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 1,4 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BH thất nghiệp đạt hơn 1,6 triệu người, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến tháng 5/2020, đã có hơn 37.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 34.000 người so với năm 2008. Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh. Nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì, đến hết năm 2019, số người tham gia BHYT tăng lên 6,99 triệu người, mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 88,3% (tăng 6,4 triệu người, tăng 1.266% so với năm 1995). Năm 2020, BHXH Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao 90,1%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.

Tổng số thu từ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng tăng liên tục, từ 116,7 tỷ đồng năm 1995, tăng lên 43.277,8 tỷ đồng vào năm 2019 (tăng trên 43.000 tỷ đồng, tăng 371 lần). Năm 2020, BHXH Thành phố được giao chỉ tiêu số thu BHXH, BHYT, BHTN là 48.379 tỷ đồng, hết tháng 5/2020, tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN là 17.735 tỷ đồng, tăng 1.127 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Số đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT giảm dần. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ BHXH phải tính lãi 1,98% so với kế hoạch thu, thấp nhất so với các năm trước đây.

Đáng chú ý, Hà Nội là nơi có số đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước. Đối tượng hưởng chính sách rất đa dạng, trong đó, có nhiều cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ Lão thành cách mạng, người có công… Trong những năm qua, BHXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trước ngày 10 hàng tháng. Năm 1995, Thành phố Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng; đến năm 2019 là 556.320 người với 31.483 tỷ đồng (tăng 53 lần so với năm 1995).

Đạt được những kết quả như trên là do toàn ngành luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT… Các thủ tục liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đều được niêm yết công khai tại tất cả các trụ sở của BHXH thành phố, BHXH các quận, huyện, thị xã và các cơ sở Khám chữa bệnh BHYT. Quy trình tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ và trả kết quả TTHC được thực hiện theo cơ chế “Một cửa” của ngành. Nhờ vậy, việc chuẩn bị hồ sơ, chứng từ của đơn vị và của người lao động dễ dàng, thuận lợi hơn; người có thẻ BHYT được sử dụng dịch vụ KCB BHYT thông suốt từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương. Quy trình giải quyết, xử lý hồ sơ tại từng bộ phận, giữa các phòng nghiệp vụ và giữa các phòng nghiệp vụ với BHXH các quận, huyện, thị xã được phân công, phân định rõ ràng, giúp bảo đảm giải quyết đúng thủ tục, trình tự và thời gian quy định.

Cùng với đó, BHXH TP Hà Nội chú trọng ứng dụng CNTT trong giao dịch hồ sơ điện tử để nâng cao chất lượng cải cách TTHC cũng như các hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chọn Hà Nội là đơn vị triển khai thí điểm nhiều TTHC và phần mềm CNTT, sau đó mới triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, như: Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua hệ thống một cửa điện tử; Hệ thống thông tin giám định BHYT; hệ thống kết nối với ngân hàng triển khai dịch vụ công mức độ 4 về kê khai, đóng nộp BHXH, BHYT của đơn vị, doanh nghiệp; liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “Một cửa điện tử” của BHXH Thành phố. Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội còn ứng dụng CNTT trong công tác kiểm soát thanh toán chế độ ốm đau, thai sản; cùng các sở, ngành của Thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo Thông tư liên tịch số 05 về khai sinh, khai tử, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Đáng chú ý, số TTHC do ngành quản lý đã giảm từ 115 thủ tục vào năm 2014, xuống còn 28 thủ tục vào năm 2019; số giờ để thực hiện các thủ tục giảm tương ứng từ 335 giờ/năm, xuống còn 49,5 giờ/năm. 100% đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, trong đó, có 97% đơn vị đã tham gia. Người dân bị mất thẻ BHYT hoặc do rách, hỏng, không thay đổi thông tin có thể đề nghị cơ quan BHXH cấp lại ngay trong ngày hoặc gửi lên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, qua dịch vụ bưu chính. BHXH Thành phố cũng chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kịp thời đưa ra các phân tích, dự báo mang tính chuyên sâu.

Giám đốc BHXH Thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong thời gian tới, BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức; đầu tư hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu và tăng cường công tác truyền thông…Cùng với đó, BHXH TP Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH.

Công tác quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tiếp tục được quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện, giúp các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ, giảm thời gian phải thực hiện các TTHC liên quan đến BHXH, BHYT. Ngoài ra, ngành BHXH sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội; đôn đốc doanh nghiệp, người lao động, người dân đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đúng thời gian…


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t