Giao đất, giao rừng, cho thuê rừng ở Hà Nội: Tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc (14:39 02/05/2018)


HNP - Việc thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được, qua rà soát cho thấy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết...

Người dân Thị xã Sơn Tây thu nhập khá từ phát triển kinh tế dưới tán rừng


Những chuyển biến rõ nét

Qua rà soát, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố là hơn 27.313ha được phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn), chiếm 8,215 diện tích tự nhiên toàn thành phố. Diện tích đất có rừng của thành phố là hơn 19.829ha, chiếm 72,6% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp với tỷ lệ che phủ 5,5%. Trong diện tích đất có rừng, chỉ có hơn 7.583ha rừng tự nhiên các loại, chiếm 38,25 % diện tích đất có rừng. Rừng tự nhiên của thành phố phân bố chủ yếu tại các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Diện tích rừng trồng của thành phố hơn 12.245ha, chiếm 61,75% diện tích đất có rừng và được phân bố hầu hết tại 7 huyện, thị xã có rừng. Diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 7.483ha.

Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên rừng và quỹ đất lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thành phố tích cực giao đất, giao rừng, cho thuê rừng cải thiện sinh kế của người dân vùng đệm, sinh sống gần rừng. Đơn cử, tại huyện Ba Vì có tổng diện tích rừng đặc dụng hơn 6.527ha, trong đó, đã giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý hơn 1.012ha; giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp tại xã Vân Hòa hơn 203ha với 181 hộ gia đình nhận khoán. Diện tích rừng cho thuê theo Nghị định số 163/NĐ-CP của Chính phủ gần 137ha; diện tích doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuê 104ha vào các mục đích phát triển du lịch sinh thái...

Tương tự, trên địa bàn huyện Chương Mỹ: Theo kết quả rà soát thống kê trên địa bàn huyện không có diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân. Có hơn 5,7ha diện tích rừng sản xuất đã được giao cho đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn thuộc xã Thủy Xuân Tiên, trong đó, có quyết định giao đất là hơn 3,7ha. Có hơn 42,6ha rừng phòng hộ được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu học tập, đào tạo nghề lâm nghiệp. Toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã Trần Phú do UBND xã, Xí nghiệp Chè Lương Mỹ và đơn vị quân đội đóng trên địa bàn xã quản lý. Còn tại huyện Quốc Oai: Theo kết quả thống kê diện tích rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là hơn 183ha thuộc rừng sản xuất trên địa bàn xã Đông Xuân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, có hơn 22,9ha diện tích đất rừng đặc dụng thuộc xã Đông Xuân đã được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Ba Vì quản lý và sử dụng; hơn 279ha rừng sản xuất được giao cho doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hơn 202,6ha rừng sản xuất được cho thuê, trong đó, hơn 190,6ha thuộc tổ chức thuê và 12ha thuộc hộ gia đình thuê thuộc địa bàn hai xã Phú Mãn và Hòa Thạch...

Theo ông Lê Minh Tuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội: Nhìn chung, công tác giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ nét. Diện tích rừng giao, cho thuê được bảo vệ tốt, hạn chế tình trạng khai thác, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép. Không ít tổ chức, cá nhân, chủ rừng quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế từ nghề rừng đã có thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập ổn định đời sống... Chủ rừng thực sự đã chủ động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích đất được giao. Ông Lê Minh Tuyên cho rằng, chính sách giao, cho thuê đất rừng là một chủ trương đúng đắn, người làm rừng thực sự làm chủ mảnh đất của mình. Từ đó, chủ động và có ý thức trách nhiệm trong việc kinh doanh rừng, bảo vệ rừng và có những liên kết giữa các hộ trồng rừng trong việc kinh doanh nghề rừng cũng như phòng chống khai thác, chặt phá rừng trái phép và phòng cháy chữa cháy rừng.

Hướng đến phát triển bền vững

Hiệu quả trong giao đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn thành phố có lẽ không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như: Chưa có chính sách và hướng dẫn của các ngành cụ thể về giao rừng, cho thuê rừng, gắn với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng, đất rừng để rừng thực sự có chủ; quyền và trách nhiệm của người dân, chủ rừng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Công tác triển khai thực hiện các chính sách trong hỗ trợ sản xuất, phát triển nghề rừng chưa được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc giao đât, giao rừng nhiều địa phương còn mang tính chất tự phát. Có địa phương còn chưa nắm bắt rõ diện tích rừng và đất lâm nghiệp của từng hộ gia đình nên gặp khó khăn trong công tác quản lý. Một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa ý thức được đầy đủ vai trò làm chủ của mình trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, chưa yên tâm đầu tư lao động, tiền vốn vào trồng rừng, phát triển rừng...

Để đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng tạo sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng và thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi bổ sung một số quy định để làm tốt công tác quản lý. Theo đó, các chính sách văn bản của Nhà nước cần phải đồng bộ và có những quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng đặc biệt chú ý đến chế độ, chính sách đối với người kinh doanh nghề rừng. Còn với TP Hà Nội, nên đẩy nhanh thực hiện cắm mốc phân định ranh giới và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, giao rừng để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp. Thành phố cũng quan tâm hơn nữa hỗ trợ người dân phát triển rừng, nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng và huy động nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp. Nhanh chóng hoàn thành chủ trương giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người dân, quy hoạch và tổ chức thực hiện tốt các dự án trồng rừng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng để người dân có thu nhập, sớm ổn định cuộc sống, giảm bớt sự lệ thuộc vào thu nhập từ các hoạt động khai thác rừng trái pháp luật...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t