Bảo tồn giống đặc sản bưởi đỏ (20:06 18/10/2017)


HNP - Hà Nội là vùng đất có nhiều giống cây ăn quả đặc sản quý hiếm. Ngoài cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn nổi tiếng, được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng, còn phải kể đến cây bưởi đỏ ở huyện Mê Linh. Để bảo tồn giống cây đặc sản này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa triển khai bảo tồn, phát triển một số giống bưởi đỏ trên địa bàn huyện Mê Linh.

Dấu hiệu thoái hóa   

Anh Lương Văn Phương, xóm 3, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cho biết: "Theo các cụ luống tuổi kể lại, vào khoảng năm 1950, ở địa phương xuất hiện giống bưởi đỏ có đặc điểm rất lạ là ruột của nó có màu đỏ và từ tháng 8 đến tháng 10 bắt đầu trở mã. Giống bưởi này lúc đầu non không khác màu gì so với các loại bưởi khác cũng màu xanh, khi chín vỏ nó bắt đầu có vàng và dần đỏ lên nhìn rất đẹp và bắt mắt". Hiện nay, gia đình anh Phương đang giữ gìn và bảo tồn để phục vụ sản kinh doanh và sản xuất hàng hóa. Theo anh Phương, giống bưởi này cây rất khỏe và chịu được một số bệnh như bệnh sẹo lá, sâu cuốn lá...; lá rất xanh và dày so với giống bưởi khác và mỗi năm cây sinh trưởng ra từ 4 đến 5 đợt lộc.

Hiện nay, nhiều gia đình ở xã Tráng Việt đã tiến hành nhân giống bưởi đỏ theo phương pháp ghép mắt. Với đặc tính của nhân giống này cây luôn mang tất cả các đặc tính tốt nhất của cây mẹ. Cây bưởi đỏ nhân giống khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng ổn định, cây nhanh ra quả, kỹ thuật trồng cây và chăm sóc đơn giảm.

Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết, trong lịch sử trồng thọt, khai thác và sử dụng, giống bưởi đỏ "Bánh Men" và bưởi đỏ "Lũm" có nguồn gốc tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đã từng là đặc sản có giá trị không chỉ bởi màu đỏ mà còn bởi giá trị dinh dưỡng và hương vị đặc trưng. Giống bưởi "Bánh Men" thuộc loại hình quả to, tròn, vị chua, ngọt, độ Brix đạt 10%, tép ráo, ít hạt, hương vị thơm, ngon, chín sớm vào tháng 9, rất thích hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân Hà Nội. Còn giống bưởi "Lũm" thuộc loại hình quả lê, vị ngọt, độ Brix đạt 12%, hương vị thơm, ngọt, chính muộn vào tháng 12, rất thích hợp cho việc tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Bà Nguyễn Thị Thoa cho biết thêm, tất cả những đặc điểm nông sinh học của hai nguồn gen bưởi đỏ trên đã được người dân địa phương tự nguyện lưu giữ, bảo tồn trong nhiều năm qua. Từ đó, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nguồn gen bản địa quý hiếm cho TP Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới áp lực đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và những hạn chế về chính sách khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen bưởi đỏ "Bánh Men" và "Lũm" đã và đang bị xói mòn. Thống kê cho thấy, tốc độ suy giảm của những nguồn gen này hằng năm từ 10 đến 15% số cá thể, tương ứng với 75 đến 100 cây mỗi năm.

Bên cạnh sự suy giảm về số lượng cá thể là sự thoái hóa về chất lượng, trong đó việc bón phân mất cân đối và chăm sóc không có quy trình là nguyên nhân chính của sự thoái hóa chất lượng. Theo ghi nhận, kích thước quả bưởi đỏ có xu hướng giảm dần, độ chua tăng, bộ Brix giảm, tôm nhanh hóa gỗ sau thu hoạch; thời gian bảo quản cũng ngắn dần, tỷ lệ hạt tăng... Đây là những bằng chứng đầu tiên về sự thoái hóa về mặt chất lượng.

Bảo tồn nguồn gen quý

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, giống bưởi đỏ "Bánh Men" và "Lũm" là những nguồn gen bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai, tập quán tiêu dùng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, đây là nguồn tài nguyên thực vật vô cùng quý hiếm. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển một số giống bưởi đỏ đạt năng suất, chất lượng cao trên địa bàn huyện Mê Linh là cần thiết.

Theo kế hoạch, sắp tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân thoái hóa giống bưởi đỏ "Bánh Men" và "Lũm" ở xã Tráng Việt. Đồng thời, nghiên cứu ảnh hưởng của chủng loại, liều lượng phân bón gốc, lá đến năng suất, chất lượng của hai giống bưởi đỏ; nghiên cứu ảnh hưởng của vật liệu bao quả đến thời gian chuyển màu của hai giống bưởi này... Từ đó, xác định nguyên nhân thoái hóa do đất canh tác hoặc nguyên tố đa vi lượng; xác định loại phân bón thích hợp, chế độ nước tưới, cắt tỉa cành thích hợp và chọn 20 cây đầu dòng để phục vụ cho công tác nhân giống, phát triển giống bưởi đỏ trong các giai đoạn tiếp theo. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại, thông qua công tác bảo tồn, phát triển một số giống bưởi đỏ trên địa bàn huyện Mê Linh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng các loại bưởi hiện nay trên thị trường Hà Nội...


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t