Khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô (18:35 14/04/2022)


HNP - Cùng với việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH), thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ đẩy mạnh đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển CNVH để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng, phát triển CNVH đưa quận sớm trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thu hút nguồn lực cho hợp tác đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngành, các lĩnh vực, các địa phương và đồng thời, góp phần tạo dấu ấn thương hiệu cho một quốc gia, dân tộc.

Với vị trí địa lý và bề dày lịch sử, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ Quận Tây Hồ đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Mục tiêu đó được triển khai thực hiện xuyên suốt bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ đại hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa ẩm thực góp phần quảng bá hình ảnh Quận Tây Hồ vừa hiện đại, văn minh vừa giàu truyền thống, bản sắc văn hóa.

Mặc dù đã có tầm nhìn và sự quan tâm, đầu tư phát huy các giá trị văn hóa như: di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, ẩm thực nhưng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của quận. Để hiện thực hóa việc phát triển văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của quận, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra với quận Tây Hồ như: nhận thức về ngành công nghiệp văn hóa còn chưa đầy đủ và toàn diện; Tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của quận; Hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú nhìn chung còn tự phát, quy mô nhỏ, lúng túng trước biến động của thị trường; Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho các hoạt động dịch vụ du lịch còn hạn chế.

Cùng với đó là sự thiếu liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực, các ngành; Tỷ trọng các nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp văn hóa còn thấp so với đầu tư chung phát triển kinh tế - xã hội của quận, nhất là việc huy động các nguồn lực xã hội; việc đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực văn hóa chưa được quan tâm đúng mực, chưa theo kịp sự tiến bộ, sự phát triển chung của Thành phố.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ Quận và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá theo hướng xanh - văn minh - hiện đại - bao trùm và bền vững  đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, mới đây, Ban chấp hành Đảng bộ Quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó xác định phát triển CNVH là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Phát triển CNVH trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Tây Hồ; đẩy mạnh quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh của Quận Tây Hồ đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Coi phát triển CNVH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Trên cơ sở đó, quận đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ từng bước bước xây dựng, cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích được xếp hạng; nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng tour, tuyến kết nối các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề truyền thống, khu vui chơi giải trí, ẩm thực. Xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hồ Tây, phát triển cơ bản toàn diện, từng bước hiện đại, văn minh các ngành CNVH của quận.  

Đến năm 2030, tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ. Quan tâm đầu tư xây dựng một số công trình, dự án mang tính biểu tượng văn hóa của Tây Hồ.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng, phát triển CNVH đưa quận sớm trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô; quận sẽ tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, sẽ quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, ẩm thực, mở rộng tạo không gian vui chơi, giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa mang lại cho cộng đồng. Đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các điểm du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng. Chú trọng công tác chỉnh trang tạo bộ mặt đô thị khang trang, văn minh, hiện đại; Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn. Đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao về du lịch của Thủ đô trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín được đông đảo công chúng và các thị trường văn hóa quan tâm.

Song song với đó, quận cũng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển CNVH. Quan tâm “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.

Đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của quận. Đẩy mạnh quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa đặc trưng của quận gắn với các di tích lịch sử các mạng, các lễ hội truyền thống, các sản phẩm truyền thống, văn hóa ẩm thực và các khu vui chơi, giải trí thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng giao lưu, hợp tác về phát triển công nghiệp văn hóa.


Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t