Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội làm việc với UBND Thành phố (22:11 26/09/2023)


HNP - Chiều 26/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Hữu Toàn làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội. Dự và tiếp Đoàn có các đồng chí: Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Quang cảnh Hội nghị


Trước khi làm việc với UBND Thành phố, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1; Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
 
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước góp phần tạo nguồn lực tăng thu ngân sách trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, tổng thu NSNN trên địa bàn 8 tháng đầu năm thực hiện là 290.043 tỷ đồng, đạt 82,2% dự toán, tăng 25,4% so với cùng kỳ (ước thực hiện cả năm là 389.829 tỷ đồng, đạt 110,5% dự toán, tăng 16,8% so với thực hiện năm 2022).
 
Tổng chi ngân sách địa phương 8 tháng đầu năm thực hiện 52.370 tỷ đồng, đạt 49,8% dự toán năm và tăng 24,0% so với cùng kỳ (ước thực hiện cả năm là 105.513 tỷ đồng, đạt 100,4% dự toán). Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố và Thông tư số 51/2023/TT-BTC, ngày 17/7/2023, của Bộ Tài chính, UBND Thành phố đã xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2024.
 
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội
 
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, ngay từ đầu năm 2023, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao tỷ lệ giải ngân. Trong năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành 03 Kế hoạch (01 kế hoạch khắc phục và 02 kế hoạch giải ngân). Mục tiêu giải ngân năm 2023 của toàn Thành phố đạt trên 95%. Từng quý, Chủ tịch UBND Thành phố đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản toàn Thành phố và các đồng chí Phó Chủ tịch Thành phố giao ban theo từng lĩnh vực hàng tháng. Kết luận giao ban quán triệt các đơn vị tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kịp thời điều hành linh hoạt kế hoạch đầu tư công, góp phần nâng cao kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công của Thành phố. 
 
Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn Thành phố, đến ngày 15/9/2023, là 22.876 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch Thành phố giao và đạt 48,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân của Thành phố, trong các tháng vừa qua, đều cao hơn trung bình của cả nước; Lũy kế giải ngân, đến 20/9/2023, đạt 50% kế hoạch Trung ương giao; đã cao hơn so với lũy kế giải ngân ngày 30/9/2022 của Thành phố (18.398 tỷ đồng, tương đương với 36%) và xấp xỉ bằng ước lũy kế giải ngân trung bình của cả nước đến hết tháng 9/2023 (51,3%).
 
Đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn, trong 3 năm (2021-2023), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố ước thực hiện 1.047.721 tỷ đồng, đạt 74,6% so với Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025) của Thành phố. Tổng chi ngân sách địa phương, giai đoạn 2021-2023, ước thực hiện 284.086 tỷ đồng, đạt 46,3% so với Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025) của Thành phố.
 
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn báo cáo tại buổi làm việc
 
Về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong hơn 2,5 năm qua, Thành phố rất quyết liệt chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm và xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm điều hành của Thành phố.
 
Đến hết ngày 30/6/2023, tổng kế hoạch vốn trung hạn Trung ương giao cho Thành phố là 222.911 tỷ đồng và Thành phố giao là: 364.678 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện phân bổ cho ngân sách cấp Thành phố là 278.841 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Thành phố sau điều chỉnh tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 là 339.326 tỷ đồng, phân bổ: ngân sách cấp Thành phố là 253.489 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
 
Thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19/6/2020, của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua. Cụ thể: Tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô khác so với một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Các cơ chế, chính sách này đã giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn; Góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; Góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, đồng thời cũng góp phần giảm áp lực cho ngân sách cấp Thành phố.
 
Thành viên Đoàn giám sát trao đổi tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã ghi nhận, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn song thu ngân sách của thành phố Hà Nội đạt kết quả thu ngân sách năm 2023 rất cao. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, thu ngân sách của thành phố Hà Nội chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu ngân sách của cả nước. Cùng với đó, đầu tư công có nhiều khởi sắc, nhiều công trình mới được triển khai và hoàn thành.
 
Về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách, cơ chế đặc thù, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Hà Nội đã phân cấp, phân quyền cho các sở ngành, địa phương rất rõ ràng, cụ thể, nên việc điều hành phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh đạt kết quả cao.
 
Đồng tình với những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thành viên đoàn giám sát đề nghị Thành phố làm rõ hơn về những nguyên nhân chủ quan, khách quan và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, về công tác thu ngân sách, các cơ quan của Thành phố được giao nhiệm vụ đã thực hiện tương đối nghiêm túc, đảm bảo theo quy định và tương đối thận trọng nên đã đạt được những kết quả khả quan như các đại biểu đánh giá. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận, thu từ đất, đặc biệt là thu đấu giá rất thấp, mặc dù Thành phố đã có nhiều giải pháp, song vẫn còn có những điểm nghẽn cần tiếp tục được quan tâm tháo gỡ.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải trao đổi làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm
 
Liên quan đến nợ đọng và phát triển doanh nghiệp, đồng chí Hà Minh Hải cho biết, công tác quản lý thu được Bộ Tài chính đánh giá là Hà Nội thực hiện rất tốt, đã chủ động thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Về cơ cấu chi, giai đoạn 2015 - 2020, Hà Nội dành chi thường xuyên khoảng 58,8%. Tuy nhiên, những năm 2018 - 2021 đã có giai đoạn tỷ lệ chi thường xuyên của Thành phố xuống còn 51%, 50%. Đặc biệt, năm 2021 - 2022, Thành phố đã dành nhiều nguồn lực chi đầu tư rất tốt. Qua đánh giá của HĐND, các đại biểu HĐND thì việc dành nguồn lực và cơ cấu của Hà Nội trong vấn đề chi đầu tư, chi thường xuyên cơ bản bám sát chủ trương chung. Trong đó, những năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cơ chế hỗ trợ an sinh xã hội của Hà Nội rất lớn, vì vậy, đã có thay đổi cơ cấu. Nhưng Thành phố cho rằng, việc thay đổi cơ cấu này phù hợp với định hướng chung trong từng giai đoạn. Nếu đánh giá loại trừ những điểm mang tính đột biến thì cơ cấu chi của Hà Nội đang đi đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. 
 
Trao đổi làm rõ thêm một số nội dung, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải trân trọng cảm ơn các ý kiến trao đổi, gợi mở, góp ý của thành viên Đoàn giám sát, đồng thời khẳng định đã tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó Thành phố sẽ giao các ngành tổng hợp số liệu vào báo cáo chung gửi Đoàn giám sát; đồng thời có những tham mưu cho Thành phố về giải pháp thực hiện trong thời gian tới. 
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn đánh giá rất cao những kết quả Thành phố đã đạt được từ phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, trên cơ sở nền tảng của kinh tế, Thành phố đã có kết quả thu, quản lý chi ngân sách cho năm 2023 và cho nhiệm kỳ 5 năm rất tích cực. 
 
Bên cạnh đó, đầu tư công của Hà Nội năm 2023 có rất nhiều điểm mới và chủ động. Đến nay, đã giải ngân được trên 50%. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu so với các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, Hà Nội đã đạt được khoảng 70%. Đây là kết quả rất đáng mừng.
 
Liên quan đến kế hoạch tài chính 5 năm, trong giai đoạn 2021 - 2022, Thành phố triển khai kế hoạch đạt nhiều kết quả rất tích cực. 
 
Lưu ý từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, đồng chí Nguyễn Hữu Toàn đề nghị Thành phố tập trung để hoàn thành chỉ tiêu chung về thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2023; Nỗ lực triển khai các giải pháp hoàn thành kế hoạch thu cả giai đoạn 2021 - 2025.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t