Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp HĐND thành phố (15:33 09/07/2017)


HNP - Cử tri mong muốn thành phố Hà Nội điều chỉnh phụ cấp đối với cán bộ cấp thôn; ban hành chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn không lãi suất để gắn bó với sản xuất nông nghiệp; phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quan tâm đến hạ tầng xã hội; kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm bán rong… Đây là những vấn đề nổi bật trong 249 câu hỏi liên quan đến 6 nhóm vấn đề cử tri nêu, đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp HĐND thành phố sẽ bàn thảo, quyết sách phù hợp.

Điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn

Qua các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố khóa XV của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, cử tri rất trách nhiệm, tâm huyết. Đa phần cử tri phát biểu, nêu vấn đề, kiến nghị rất trọng tâm, thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố. Trong đó, đề xuất điều chỉnh  cơ chế chính sách cho phù hợp thực tiễn đối với cán bộ cấp cơ sở, nhất là cấp thôn được đề cập nhiều. Cử tri huyện Đan Phượng cho rằng, hiện nay, kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân theo Quyết định số 71/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND thành phố (600.000 đồng/tháng cho mọi hoạt động của Ban) là quá thấp không phù hợp với tình hình thực tế. Cử tri quận Long Biên, Hoàn Kiếm, huyện Sóc Sơn phản ánh, mức phụ cấp đối với cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã, phường chưa phù hợp; hạn mức ngân sách hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức trên cũng thấp (đơn cử như ngân sách hỗ trợ Hội chữ thập đỏ cơ sở 10 triệu/năm. Vì thế, cử tri đề nghị thành phố quan tâm, điều chỉnh mức phụ cấp đối với cán bộ cấp cơ sở, xem xét đảm bảo kinh phí hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, cử tri quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh chính sách bồi thường đồng bộ theo khu vực, tránh một khoảnh đất nhưng áp dụng hai chính sách, dẫn đến nhân dân bức xúc, khó đồng thuận trong di dời, giao lại mặt bằng cho nhà nước. Cử tri huyện Sóc Sơn còn đề nghị thành phố xem xét, điều chỉnh quy định về bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn cho phù hợp. Bởi theo quy định Hội nghị bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn tham dự, nhưng đối với  những thôn có rất nhiều hộ gia đình thì việc triệu tập hội nghị bảo đảm trên 50% số cử tri là rất khó khăn. Cử tri huyện Phú Xuyên cho rằng, thành phố không nên quy định người già cô đơn không nơi nương tựa phải là hộ nghèo mới được hưởng chế độ chính sách vì như vậy sẽ làm tăng tỷ lệ hộ nghèo của xã. Một vấn đề rất mới được cử tri huyện Phú Xuyên đề xuất, thành phố xem xét có chính sách hỗ trợ cho nông dân vay vốn không lãi suất; gia hạn vay đối với hộ chăn nuôi bị thua lỗ, để họ sớm ổn định, tiếp tục gắn bó với sản xuất nông nghiệp.

Khắc phục yếu, thiếu hạ tầng xã hội trong khu đô thị

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nhà cao tầng, nhưng lại thiếu trách nhiệm quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát thực hiện dự án của các chủ đầu tư, nên hầu hết các khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đều thiếu hạ tầng xã hội, tạo áp lực, gánh nặng cho các khu dân cư hiện hữu. Cử tri Nguyễn Khánh Dư (phường Vạn Phúc - Hà Đông nêu rằng, địa bàn phường đang xây dựng 2 chung cư cao tầng, nhưng thiết kế thiếu hệ thống trường học, trạm xá vậy thì tương lai sẽ lại gây áp lực cho các trường mầm non, tiểu học, THCS tại khu dân cư hiện hữu. Cùng quan điểm, cử tri Trần Văn Đóa (phường Mộ Lao-Hà Đông nhận định có sự bất hợp lý trong quy hoạch, phê duyệt  quy hoạch. Ngoài thiếu trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, thiếu hệ thống phòng cháy, chữa cháy… một số khu đô thị còn chưa quan tâm đến quy hoạch nước thải, dẫn đến việc dồn ứ, ngập úng khi mưa to, bất tiện cho cư dân. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về chung cư cũng trên địa bàn thành phố chưa được tập trung quan tâm, dẫn đến nhiều khi xảy ra xung đột, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân trong bàn giao, quản lý vận hành. Vì vậy, các cử tri kiến nghị, thành phố Hà Nội cần xem xét, ban hành quy định nhằm siết chặt hoạt động đầu tư của các chủ dự án, nếu vi phạm quy định thì kiên quyết không duyệt, cấp phép cho các dự án tiếp theo. Đối với quản lý nhà chung cư, thành phố ban hành chế tài khung trên cơ sở quy định của Luật và thực tiễn để áp dụng quản lý hiệu quả.

Cũng liên quan đến thực hiện quy hoạch, cử tri quận Tây Hồ, Ba Đình đề nghị thành phố khi cấp phép hạ ngầm đường dây diện, dây cáp quang trên các tuyến phố cần cấp phép đồng bộ đối với các ngành điện lực, viễn thông, thông tin; tăng cường kiểm tra và yêu cầu các đơn vị thi công hạ ngầm đường cáp, đường điện, nước và hoàn trả mặt đường sau khi hoàn thành thi công, bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn cho người tham gia giao thông.  

Mong rằng, những kiến nghị của cử tri sẽ được HĐND, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội quan tâm, thảo luận, quyết nghị chính sách phù hợp, đáp ứng từng bước các nguyện vọng, kiến nghị của cử tri trong thời gian tới.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t