Không lo thiếu thực phẩm dịp Tết (13:19 23/12/2020)


HNP - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, thời điểm này, các nhà vườn, trang trại, gia trại ở khu vực ngoại thành Hà Nội đang tất bật chuẩn bị nguồn cung nông sản để tung ra thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, nguồn cung nông sản năm nay khá dồi dào, không lo thiếu cả trước, trong và sau Tết.

Bảo đảm cân đối cung - cầu nông sản phục vụ dịp Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội


Sản phẩm đa dạng, phong phú
 
Xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) thời điểm này, nườm nượp người đổ về khảo sát nguồn cung rau xanh đặt hàng phục vụ dịp Tết. Nắm bắt nhu cầu, người dân ở đây đã trồng rau gối vụ với đa dạng chủng loại rau xanh, gồm: cải bắp, su hào, súp lơ, cải thảo… Nhờ tuân thủ đúng quy trình nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 40-45 tấn rau xanh các loại, chủ yếu bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Mỗi độ Tết đến xuân về, sản lượng tiêu thụ mỗi ngày trên 50 tấn…
 
Thời điểm này, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cũng tấp nập người đổ về đặt hàng thu mua bưởi Diễn phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Để thu hoạch đúng dịp Tết, người dân ở đây đã áp dụng khoa học kỹ thuật và trồng bưởi theo chương trình sản xuất hữu cơ. Nhiều lần mua sản phẩm của xã Nam Phương Tiến, bà Nguyễn Thị Mai, ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho hay, bưởi Diễn thu hoạch vào thời điểm gần Tết Nguyên đán là thích hợp và ngon nhất. Sau khi thu hoạch, cần bảo quản khoảng 15-20 ngày để vỏ bưởi héo, lúc đó bưởi đã xuống đường ăn rất ngon và mát. Bưởi mua tại xã Nam Phương Tiến có giá 15.000 - 20.000 đồng/quả, nếu chọn quả đẹp giá 25.000 - 30.000 đồng/quả.
 
Không riêng các hộ trồng rau, hoa, quả, cây cảnh, đáp ứng nguồn cung cho dịp Tết, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chạy đua với thời gian, chuẩn bị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho biết, nhận định thị trường năm nay người tiêu dùng sẽ sử dụng nhiều sản phẩm thịt gà nên đã tăng quy mô chăn nuôi. Dự kiến trong dịp Tết, trang trại của gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 con gà thương phẩm.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, sản phẩm nông nghiệp phục vụ dịp Tết năm nay khá đa dạng, trong đó 60% diện tích cây trồng của Hà Nội là các loại quả đặc sản và đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu như: Bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, chuối Vân Nam, cam Kim An… Diện tích trồng cây ăn quả đặc sản của Hà Nội khoảng 4.300ha/19.000ha cây ăn quả. Còn diện tích trồng rau 33.160ha, năng suất đạt 211 tạ/ha, sản lượng ước đạt 699.676 tấn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội có 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 29 xã chăn nuôi gia cầm với trên 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Số lượng đàn gia súc, gia cầm: Đàn trâu 24.900 con, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn bò 130.000 con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,34 triệu con, tăng 17,2% và đàn gia cầm 39,4 triệu con, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, Hà Nội hiện có 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 62 tấn thịt các loại, 3.000 quả trứng và 78 tấn sữa.
 
Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm
 
Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Hà Nội ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây... Nhận định về nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ dịp Tết, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 60 - 90%. Ngoài ra, Hà Nội còn liên kết với các tỉnh, thành phố đưa nông sản, thực phẩm an toàn về thị trường Thủ đô tiêu thụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Vấn đề đặt ra hiện nay đó là theo dõi tình hình sản xuất, thông tin thị trường và giám sát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Được biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao các đơn vị theo dõi sát việc này, nhất tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến thời tiết, dịch bệnh. Từ đó, bảo đảm năng lực cung ứng thịt gia súc, gia cầm và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm nông sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là tại các chuỗi, các chợ dân sinh, chợ đầu mối…
 
Với sự chủ động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên, chắc chắn Hà Nội sẽ bảo đảm đầy đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn phục vụ tốt người dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t