Tư vấn, hỗ trợ nghệ nhân nâng cao năng lực thiết kế mẫu hàng thủ công mỹ nghệ (16:58 08/08/2019)


HNP - Sáng 8/8, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tư vấn, định hướng thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ”. Hội nghị đã thu hút được đông đảo các nghệ nhân, doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội tham dự.

Chuyên gia về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hội đồng Anh tư vấn cho các nghệ nhân thiết kế sản phẩm


Buổi “Tư vấn, định hướng thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ” nhằm hỗ trợ, giúp các tổ chức, cá nhân ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội nâng cao năng lực thiết kế mẫu cũng như có những sản phẩm tiếp cận với các xu hướng thiết kế mới, phát huy được các ý tưởng, sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị về kinh tế, mỹ thuật, phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu. 
 
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Hiện nay, các làng nghề ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang yếu về thiết kế. Do đó, Sở Công Thương kỳ vọng các nghệ nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tạo những sản phẩm có tính mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường.
 
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia của Hội Đồng Anh đã giới thiệu, phân tích những xu hướng thiết kế mới trên thế giới. Đồng thời, đưa ra những nhận xét, đánh giá, góp ý cho từng nhóm sản phẩm gồm: Mây tre đan; sơn mài khảm trai; gốm sứ và các sản phẩm khác… về mẫu mã sản phẩm, định hướng thị trường, giá thành sản phẩm của các nghệ nhân, doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội.
 
Đáng chú ý, bà Expert Claire Driscoll, Chuyên gia về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Hội đồng Anh cho biết: Các nghệ nhân, nhà thiết kế cần đặt tâm thế sản phẩm hướng đến thị trường. Một nhà thiết kế là một người sử dụng trí tưởng tượng của bản thân chấp nhận rủi ro, có ý kiến của riêng mình, phải có tính sáng tạo, cạnh tranh, tự thúc đẩy và đồng cảm với sản phẩm. Nếu doanh nghiệp, nghệ nhân hiểu rõ sản phẩm đó làm cho ai và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thị trường thì sản phẩm đó sẽ thành công. Bà Expert Claire Driscoll nhấn mạnh: Thiết kế là linh hồn của sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang cần có mẫu mới liên tục. Thiết kế tốt, tạo ra doanh nghiệp tốt do đó các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư hơn cho lĩnh vực này.
 
Theo số liệu thống kê, hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về nhóm hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 192 triệu USD, thu hút gần 1 triệu lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 55 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội chưa phát triển hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn tương đối yếu so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines.
 
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó việc chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm thiếu tính sáng tạo, nhiều sản phẩm chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, làm dập khuôn theo các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc theo đơn đặt hàng từ phía khách hàng mà ít có những sản phẩm của riêng mình. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t