Hà Nội: Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý hiếm và quản lý sinh vật biến đổi gen (15:59 14/05/2019)


HNP - Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học, Hà Nội đã duy trì, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý hiếm và quản lý sản xuất đối với sinh vật biến đổi gen phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, trong duy trì, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý hiếm, ngoài việc bảo vệ các cá thể rùa Hoàn Kiếm, từ năm 2008 đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội duy trì, phát triển giống gà Mía. Công ty đã sản xuất và cung ứng được hơn 3,9 triệu con giống gà Mía.

Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển chăn nuôi giống gà ri lai gà Mía trên địa bàn các huyện Ba Vì, Sóc Sơn nhằm khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên của các địa phương này. Tại huyện Ba Vì, gà ri lai gà Mía được nuôi chủ yếu tại các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng với tổng đàn thường xuyên khoảng trên 1 triệu con. Tại Sóc Sơn, gà ri lai gà Mía được chăn nuôi chủ yếu ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Minh Phú, Minh Trí... với số lượng tổng đàn thường xuyên khoảng trên 300.000 con.

Với vịt cỏ Vân Đình, thành phố tập trung phát triển chăn nuôi giống vịt này gắn với xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại huyện Ứng Hòa. Địa phương này có vùng đất chiêm trũng với nhiều điều kiện thích hợp để phát triển chăn nuôi vịt tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Thái, Trầm Lộng, Phương Tú, Hòa Lâm... Từ năm 2015 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm vịt Vân Đình, đến nay số tổng số lượng đàn vịt của chuỗi luôn duy trì 200.000 con với 69 hộ chăn nuôi tham gia.

Để duy trì, phát triển giống lợn bản địa, hiện các sở, ngành thành phố đã xây dựng dự thảo kế hoạch bảo tồn nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm thịt lợn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh sản phẩm. Theo đó, trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng 1 cơ sở bảo tồn giống lợn bản địa gồm: Lợn Hương, lợn Móng Cái, lợn ỉ với số lượng 230 con, hằng năm sản xuất trên 3.000 lợn thịt thương phẩm cung cấp cho thị trường. Cùng với đó, hoàn thiện chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn bản địa đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; xây dựng 1 hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt lợn bản địa; đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm thịt lợn bản địa nuôi tại Hà Nội.

Trong lĩnh vực quản lý sản xuất đối với sinh vật biến đổi gen, thành phố đã sử dụng 1 loại giống ngô biến đổi gen NK4300 BT/GT để làm giống thực hiện mô hình sản xuất ngô biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi với quy mô sản xuất 60ha. Để đảm bảo an toàn, thành phố Hà Nội đã phổ biến, khuyến cáo cán bộ địa phương và nông dân tham gia mô hình, thực hiện theo quy định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen…


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t