Nâng cao chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành y, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc (20:23 21/08/2022)


HNP - Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" do Bộ Y tế tổ chức. Hội nghị được kết nối với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị


Chế độ chính sách cho nhân viên y tế chưa đáp ứng
 
Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. 
 
Theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam là quốc gia có số liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vắc xin cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Italia, Pháp...
 
Cùng với những kết quả đạt được, tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành. Cụ thể là, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế. Điều này đã bộc lộ rõ trong giai đoạn phòng, chống dịch vừa qua.
 
"Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ... Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập", Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm. 
 
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế, chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo, cũng như với các ngành, lĩnh vực khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua.
 
Nâng cao chế độ đãi ngộ với ngành Y tế
 
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, vất vả hi sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập. Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều cơ hội lớn để ngành Y tế phát triển. Đó là đội ngũ 500.000 cán bộ y tế của nước ta có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng. Trình độ trong một số lĩnh vực y học của Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới. 
 
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến nhiều nội dung mà ngành Y tế cần thực hiện trong thời gian tới. Đầu tiên là việc tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ chương trình phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, ngành Y tế khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.
 
"Chúng ta cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt". Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ", Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thủ tướng cũng cho rằng, ngành Y cũng phải quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
 
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân.
 
"Theo số liệu báo cáo, nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, trên 40%. Do đó, phải giảm tiền túi cho y tế của nước ta, cho người dân. Đóng bảo hiểm mà vẫn phải chi hơn 40% tiền túi thì phải xem lại vấn đề này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t