Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê: Những nội dung điều chỉnh (09:23 19/10/2021)


HNP - Sau 5 năm triển khai, Luật Thống kê cần sửa đổi, bổ sung một số điều để làm rõ một số vấn đề. Theo đó, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2021. Tại phiên họp ngày 13/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung với tên Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một của Luật Thống kê.

Luật Thống kê được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 23/11/2015 đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng. Nhằm bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô, phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, chính sách về phát triển bền vững, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, cam kết quốc tế của Việt Nam… Sau 5 năm triển khai, Luật Thống kê cần sửa đổi, bổ sung một số điều để làm rõ các vấn đề trên. Theo đó, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2021.
 
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội thảo trực tuyến, trực tiếp với các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến; hội thảo với các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, đảm bảo số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.
 
Tại phiên họp ngày 13/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung với tên Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một của Luật Thống kê, gồm:
 
Một là, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về Quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. 
 
Hai là, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
 
Ba là, thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.
 
Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.
 
Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia phải tuân thủ theo những nguyên tắc: (I) Thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; (II) Phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; (III) Bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; (IV) Bảo đảm tính khả thi khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được ban hành, áp dụng thuận lợi trong thực tiễn; và (V) Khẳng định và nâng cao vai trò của hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc; bảo đảm so sánh quốc tế.
 
Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: (1) Số thứ tự; (2) mã số; (3) nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu, cụ thể như sau:
 
Nhóm 01. Đất đai, dân số: 14 chỉ tiêu; Nhóm 02. Lao động, việc làm và bình đẳng giới: 12 chỉ tiêu; Nhóm 03. Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp: 06 chỉ tiêu; Nhóm 04. Đầu tư và xây dựng: 09 chỉ tiêu; Nhóm 05. Tài khoản quốc gia: 17 chỉ tiêu; Nhóm 06. Tài chính công: 10 chỉ tiêu; Nhóm 07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán: 23 chỉ tiêu; Nhóm 08. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: 14 chỉ tiêu; Nhóm 09. Công nghiệp: 08 chỉ tiêu; Nhóm 10. Thương mại, dịch vụ: 10 chỉ tiêu; Nhóm 11. Chỉ số giá: 09 chỉ tiêu; Nhóm 12. Giao thông vận tải: 10 chỉ tiêu; Nhóm 13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông: 23 chỉ tiêu; Nhóm 14. Khoa học và công nghệ: 06 chỉ tiêu; Nhóm 15. Giáo dục: 04 chỉ tiêu; Nhóm 16. Y tế và chăm sóc sức khỏe: 09 chỉ tiêu; Nhóm 17. Văn hóa, thể thao và du lịch: 08 chỉ tiêu; Nhóm 18. Mức sống dân cư: 08 chỉ tiêu; Nhóm 19. Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp: 10 chỉ tiêu; Nhóm 20. Bảo vệ môi trường: 12 chỉ tiêu.
 
Mỗi chỉ tiêu quốc gia được xác định, lựa chọn quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia khi đảm bảo các tiêu chí gồm: 
 
(1) Chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế - xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia. 
 
(2) Chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm tính khả thi - tức là chỉ tiêu thống kê phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trên thực tiễn. Nguyên tắc này đòi hỏi phải: (I) Bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; (II) Bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; (III) Bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng. 
 
(3) Chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc. 
 
Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ được quy định tại Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

Cục Thống kê TP Hà Nội


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t