Cần lực đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (15:44 26/09/2017)


HNP - Sáng 26/9, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA) tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ và Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành CNHT Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017 - 2019 định hướng 2025. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.

Các đồng chí lãnh đạo chứng kiến Lễ trao Hợp đồng và Thỏa thuận hợp tác phát triển ngành CNHT giữa HANSIBA cùng các đối tác


Phát biểu Khai mạc Hội nghị đồng chí Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA cho biết: Theo số liệu ước tính, tình hình sản xuất các sản phẩm CNHT của các DN Việt Nam thuộc các ngành như sau: Ngành chế tạo ô tô tỉ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; ngành điện tử nội địa hóa khoảng 5 - 10%; da giày nội địa hóa khoảng 30%; dệt may nội địa hóa đạt khoảng 30%; CNHT cho công nghệ cao khoảng 1-2%; Cơ khí chế tạo khác nội địa hóa khoảng 15 - 20%. Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu vào khoảng hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 30 tỷ USD).
 
Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500 nghìn DN Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
 
Tại hội nghị, các chuyên gia và DN ngành CNHT đã chia sẻ những khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra các kiến nghị để phát triển ngành CNHT của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất HIKARI P&T Việt Nam chia sẻ, ngoài các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đã tự thân thiết lập được mối quan hệ đối tác cung - cầu sản phẩm. Đồng thời, bày tỏ mong muốn nhà nước và Thành phố xem xét có thêm các chương trình xúc tiến cũng như kết nối giao thương bằng các chương trình cụ thể thông qua sở, ban, ngành hoặc hiệp hội.
 
Lễ mắt Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp DN CNHT thuộc HANSIBA 
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: CNHT luôn được coi là bộ phận công nghiệp rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp. Từ năm 2007, thành phố Hà Nội đã xác định phát triển CNHT là một trong các mục tiêu phát triển kinh tế của Thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để xúc tiến đầu tư thương mại, khuyến khích phát triển CNHT, thành lập khu CNHT… Đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã hình thành được hệ thống DN chuyên sâu về CNHT với đông đảo DN tham gia. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu về CNHT như Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quang Minh, các khu công nghiệp này được điều phối, dẫn dắt bởi các tập đoàn quốc gia, đa quốc gia và tập trung nhiều tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài, có trình độ chuyên môn hóa cao, tạo hiệu quả lớn trong sản xuất.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao đổi với các doanh nghiệp
 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, bên cạnh những thành quả trong phát triển CNHT vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: tỷ lệ nội địa hóa, năng suất, chất lượng thấp so với nhiều nước trong khu vực; ngành CNHT mới dừng lại ở chế tạo, gia công các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp; năng lực cạnh tranh của DN còn thấp dẫn đến nhiều DN phải đóng cửa hoặc phá sản. 
 
Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án tiếp tục phát triển CNHT và mục tiêu đến 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 900 DN chuyên sâu về DN hỗ trợ, trong đó, có 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Để Đề án đi vào cuộc sống, hàng năm, Thành phố sẽ tiếp tục ban hành, triển khai các chương trình phát triển cụ thể. Tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, kết nối các DN Việt Nam với các DN nước ngoài. Thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào CNHT. Hỗ trợ DN Việt Nam trong việc quản lý, quản trị quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các DN CNHT. 
 
Phó Chủ tịch Thành phố Lê Hồng Sơn khẳng định, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để triển khai các chính sách về phát triển CNHT do Chính phủ ban hành, đồng thời, kiến nghị có những chính sách đặc thù để phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô.  
 
Tại Hội nghị, HANSIBA và các đối tác trong nước và quốc tế đã trao Hợp đồng và Thỏa thuận hợp tác phát triển ngành CNHT; ra mắt Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp DN CNHT thuộc HANSIBA.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t