Hà Nội triển khai nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng không khí (10:40 02/10/2019)


HNP - Chiều 1/10, tại Hội nghị Giao ban Báo chí, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định đã thông tin về kết quả chỉ đạo xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cung cấp thông tin tại buổi giao ban báo chí


Chia sẻ thông tin hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP, Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cho biết: Tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa Đông, đầu Xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
 
Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 13/9/2019, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức "kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5.
 
Theo tiêu chuẩn, chất lượng không khí ở mức Kém có ảnh hưởng tới sức khoẻ con người về hô hấp. Vào các thời điểm đó, nhóm nhạy cảm (bao gồm: trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) cần hạn chế thời gian bên ngoài. Ngoài ra, nếu phải ra ngoài người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cũng khuyến cáo, để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể tham khảo trên website của UBND Thành phố Hà Nội (http://hanoi.gov.vn) và website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/), website: moitruongthudo.vn, báo Hà Nội Mới, Kinh tế Đô thị... và bản tin giờ vàng 18h30 hàng ngày tại Đài truyền hình Hà Nội.
 
Chánh Văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cũng thông tin, có 12 nguyên chính gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội được xác định gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; Đun bếp than tổ ong, đốt củi; Phá dỡ các công trình xây dựng; xây dựng các công trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Do đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
 
Để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như: Tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; Xử lý ô nhiễm ao hồ nội ngoại thành; Xây dựng kế hoạch vận động, đến 31/12/2020, không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; Triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện; Triển khai xử lý rác thải rắn xây dựng từ phá rỡ các tòa nhà bằng công nghệ mới; Xây dựng quy định quản lý, thắt chặt việc thực hiện che chắn công trình khi phá rỡ, xây dựng; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô về cải thiện chất lượng không khí cho Thành phố…
 
Tại buổi giao ban, nhiều phóng viên cho rằng, nguyên nhân như đốt rơm rạ, dùng than tổ ong không hẳn là nguyên nhân chủ yếu mà nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí của Hà Nội là do vấn đề quy hoạch đô thị còn nhiều vướng mắc dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan, làm tăng tình trạng ô nhiễm…
 
Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường thành phố Hà Nội Mai Trọng Thái thông tin tại buổi giao ban
 
Trao đổi về các vấn đề này, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường thành phố Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: Hiện, Hà Nội đã có 10 trạm quan trắc không khí để theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí thường xuyên. Dự kiến, đến năm 2020, Hà Nội sẽ lắp đặt 20 trạm quan trắc không khí và 1 trạm quan trắc lưu động. Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường thành phố Hà Nội cũng cho biết, từ khi chất lượng không khí “Kém” Thành phố đã khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần đeo khẩu trang hợp quy chuẩn. Đối với người già, trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí, nên hạn chế ra đường; trẻ em các trường mầm non hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời và dã ngoại.
 
Giải đáp vấn đề các phóng viên nêu, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) Mai Trọng Thái khẳng định: việc đốt thải từ than tổ ong gây ô nhiễm rất lớn và đây được xem là một trong những nguyên nhân chính tạo nên không khí ô nhiễm. Theo số liệu thống kê, với việc dùng 582 tấn than tổ ong/ngày thì lượng CO2 thải ra bên ngoài không khí trên địa bàn thành phố là rất lớn; cùng với đó, hoạt động đốt rơm rạ khu vực ngoại thành sẽ khiến tầm nhìn bị che mờ. Do đó, Thành phố đã khuyến cáo người dân không sử dụng than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố.
 
Cũng theo Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, dự báo đến 3/10, khi thời tiết có mưa và dông thì chất lượng không khí của Hà Nội sẽ dần được cải thiện.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t