Ngành Công Thương Hà Nội: Chung tay chống rác thải nhựa (19:58 03/08/2019)


HNP - Rác thải nhựa đang là hiểm họa đối với môi trường. Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm “trắng” do rác thải nhựa gây ra. Nhiều hoạt động cam kết không dùng sản phẩm nhựa một lần và túi ni lông đựng sản phẩm, thay vào đó là các vật phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường,… Trong những nỗ lực đó, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng.

Siêu thị BigC Hồ Gươm (quận Hà Đông) sử dụng lá chuối để gói rau, thay thế túi ni lông


Những chuyển biến tích cực

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây... Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng đều sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy để phục vụ nhu cầu khách hàng; tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân hủy được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ rất phổ biến.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động chống rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở đã tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sản xuất, phân phối cùng chung tay trong công tác giảm phát sinh rác thải nhựa từ khâu sản xuất cho đến tiêu dùng, tăng cường sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Đồng thời, Sở đã gửi bản cam kết tới các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng, các nhà hàng, khách sạn để tuyên truyền, vận động các đơn vị ký cam kết hành động chống rác thải nhựa trong sản xuất và phân phối tiêu dùng. Đến nay, đã nhận được bản cam kết của hơn 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, các khách sạn, nhà hàng, các ban quản lý chợ, các doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ...

Ngoài ra, Sở Công Thương còn tổ chức giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu có khả năng tự phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và nhựa sử dụng một lần của một số doanh nghiệp sản xuất; một số phương thức bao gói mặt hàng thực phẩm rau, củ, quả... bằng lá dong, lá chuối, túi vải, túi giấy thay thế túi ni lông. Đáng chú ý, Sở đã phối hợp triển khai chuỗi hoạt động của một số phân phối tiêu dùng, như: Túi ni lông, màng bọc thực phẩm tự hủy sinh học của Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung; túi vải, túi giấy các loại của Công ty cổ phần bao bì 27/7 Hà Nội; các sản phẩm ống hút, cốc, khay, hộp, đĩa và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm được làm từ bột ngô, bã mía, sơ dừa... của Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam; các sản phẩm thực phẩm rau, củ, quả, trứng... được bao gói bằng lá tự nhiên, túi giấy, bao bì thân thiện với môi trường của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thực phẩm Sài Gòn Coop - Coop food Miền Bắc.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thông qua các hoạt động trên, đã xuất hiện nhiều cách làm hay của một số đơn vị phân phối, như: Vinmart, BigC, MM Mega Market, Lotte, Co.opMart, Minh Hoa,... Theo đó, các đơn vị này đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học thay thế túi ni lông sử dụng một lần; sử dụng các khay, hộp, đĩa và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm được làm từ bột ngô, bã mía, sơ dừa... để thay thế một phần các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa; hạn chế dần việc bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đáng nói, nhiều đơn vị đã sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá dong, lạt tre nứa, túi giấy thay cho túi nilon; đồng thời, ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa, thay thế bằng các loại ống hút được sản xuất từ tre, cỏ, bột gạo,... đã được tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng.

Tạo sức lan tỏa rộng

Tuy vậy, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, nên việc phân loại rác thải nhựa tại nguồn tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn và các hộ gia đình chưa được thực hiện triệt để; bên cạnh đó, thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần của người tiêu dùng còn đang diễn ra phổ biến. Mặt khác, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thường xuyên, liên tục nên công tác triển khai chống rác thải nhựa còn những khó khăn.

Ông Lê Hồng Thăng cho biết, để mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa, vấn đề đặt ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo bước chuyển, sức lan tỏa sâu rộng. Theo đó, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cùng chung tay chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. Sở cũng triển khai đồng bộ đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng thực hiện cam kết trong công tác chống rác thải nhựa và thực hiện các lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp sản xuất: Giảm dần phần trăm tỷ lệ nguyên liêu nhựa trong sản xuất; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại từ nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục ký các bản cam kết và giúp các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ để chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường, đạt các chỉ tiêu thành phố giao, đến ngày 31/12/2020: 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông khó phân hủy; giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% rác thải phát sinh tại các trung tâm thương mại, siêu thị, ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ, khách sạn, nhà hàng... được thu gom, phân loại tại nguồn; thay thế hoàn toàn túi ni lông khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện môi trường như lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học; có chương trình khuyến khích các khách hàng tham gia sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; không sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa... phục vụ khách hàng.

Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách trình HĐND thành phố hỗ trợ cho các doanh nghiệp đóng, sản xuất túi ni lông nhựa chuyển đổi công nghệ sang sản xuất các loại túi vải, túi giấy...


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t