Hà Nội tích cực thay thế bếp than tổ ong, giảm ô nhiễm không khí (22:02 15/03/2018)


HNP - Không khí Hà Nội đang bị ô nhiễm không chỉ bởi bụi từ vật liệu xây dựng, khói xe mà ngay trong mỗi gia đình vẫn đang tồn tại một “sát thủ vô hình" đó là bếp than tổ ong. Đứng trước thực trạng đó, Thành phố đã triển khai giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho thành phố, trong đó có nhiệm vụ sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong truyền thống và phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn toàn thành phố không còn hiện hữu bếp than tổ ong.

Người dân phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội sử dụng bếp và nguyên liệu mới


Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bếp than tổ ong hiện diện trên hầu khắp các tuyến phố ở các khu dân cư. Theo kết quả nghiên cứu, trên toàn địa bàn Thành phố hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63%. Việc sử dụng bếp than tổ ong còn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè... Còn tỷ lệ sử dụng bếp than ở các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. 
 
Một ngày, trung bình thành phố Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí. Điều đó có nghĩa thành phố Hà Nội hàng ngày đang phải gánh chịu lượng lớn khí thải dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe cho con người và gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường như: mưa axit, nguy cơ lũ lụt bất thường, sự ăn mòn kim loại, công trình xây dựng.
 
Nhận thức được tác hại của việc này tới môi trường và sức khỏe người dân, Thành ủy Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết sách nhằm chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai nhiệm vụ. Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bắt đầu nghiên cứu triển khai chương trình, đến năm 2018 đơn vị này tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm những giải pháp hiệu quả và bền vững nhất. Vừa qua, nhằm thay thế việc sử dụng bếp than, Sở đã tuyên truyền cho người dân sử dụng bếp đun sạch, các bếp cải tiến thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ dân. 
 
Theo lộ trình, năm 2018, toàn thành phố sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong; năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong; năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100%. Để đảm bảo kết quả thay thế bếp than tổ ong một cách triệt để và bền vững, thành phố Hà Nội cũng đang tập trung rà soát, thống kê các xưởng sản xuất bếp than tổ ong và than tổ ong để lên kế hoạch tuyên truyền và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, theo lộ trình đến hết năm 2020, sẽ giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở này.
 
Ngoài việc huy động nguồn lực từ thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tích cực kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp để cùng chung tay hành động, vì mục tiêu chung là cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô Hà Nội. 
 
Với việc nổ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, ngày 6/2/2018 vừa qua, Sở Tài nguyên & Môi trường đã ký kết biên bản hợp tác với tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV). Theo đó hai bên sẽ hợp tác nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong, thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong, tạo ra nhu cầu sử dụng bếp cải tiến thân thiện với môi trường; Sẽ thí điểm các giải pháp về cơ chế, chính sách, tài chính và công nghệ được đưa ra nhằm tiến tới thay thế bếp than tổ ong trên toàn địa bàn.
 
Cũng trong tháng 2/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai mô hình thí điểm "Sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong” trên địa bàn Phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Các hộ dân trên địa bàn phường được dùng thử các loại bếp cải tiến miễn phí trong vòng 1 tháng và mỗi hộ dân được phát miễn phí 5 kg nhiên liệu. Cùng với đó, các hộ dân trên địa bàn phường được ưu đãi từ 30% - 50% kinh phí khi mua bếp cải tiến. Theo đánh giá việc thực hiện thí điểm này đã nhận được sự đồng tình của người dân. Từ thay đổi nhận thức, người dân dần thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến là góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.
 
Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội: trong thời gian qua, Tổ chức Phát triển Hà Lan đã tích cực phối hợp với thành phố Hà Nội, luôn đồng hành cùng với thành phố trong việc điều tra, khảo sát lên phương án và tạo ra các phương thức đốt thay thế. Từ đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lựa chọn phương án thay thế bếp than tổ ong tối ưu nhất trình UBND thành phố sớm phê duyệt.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t