Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai: Quyết liệt, khẩn trương (08:30 23/08/2017)


HNP - Không nằm ngoài quy luật, TP Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất... gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai được TP triển khai thực hiện quyết liệt sẽ bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Tác động rõ rệt

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, khu vực ngoại thành khá rộng, địa hình đa dạng, phức tạp, hằng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai như lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về, một phần diện tích nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của sông Hồng. Khu vực nội thành luôn thường trực nguy cơ bị úng ngập cao. Trong khi đó, hệ thống đê điều, hồ đập tuy được gia cố tu bổ nhưng nhiều năm chưa phải thử thách với lũ lớn, thân đê chứa chất nhiều ẩn họa, hệ thống công trình tiêu úng xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, lạc hậu nên khả năng tiêu thoát còn hạn chế... Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai hết sức nặng nề và cần được đặc biệt coi trọng.

Khắc phục những yếu tố bất lợi do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành của TP đã chỉ đạo kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Mặc dù nguồn lực được huy động tối đa, kể cả về cơ sở vật chất, lực lượng cán bộ, thực hiện mọi biện pháp trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Song với những tác động cực đoan của thời tiết, tần suất các cơn bão xuất hiện nhiều, phức tạp thời gian qua đã gây thiệt hại khó có thể đong đếm đối với người dân khu vực ngoại thành.

Đáng nói, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở, ngập úng, lốc xoáy...  liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều sự cố đê điều đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, tại K2+800 đến K3+200 đê hữu Đà thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì diễn biến sạt lở nghiêm trọng kéo dài khoảng 400m. Tương tự, tại huyện Đan Phượng cũng vừa xảy ra sự cố sạt lở đất bờ bãi sông phía thượng lưu tương ứng vị trí K44+020 đê hữu Hồng thuộc xã Liên Hồng. Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, nguyên nhân do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 gây mưa lớn kết hợp với khu vực này có nền địa chất yếu nên nước mưa ngấm tạo thành nhiều mạch chảy ngầm từ mặt đất tự nhiên khu vực nhà dân xuống gây sạt lở.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Gia Lâm, sự cố sạt lở cống tiêu cuối kênh Tây và đường bờ bao chống tràn sông Trung Thủy Nông ở xã Văn Đức khá phức tạp. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: hiện tượng sạt lở ở đây diễn ra từ năm 2014 đến nay, thiệt hại nặng nhất là sau cơn bão số 2 vừa qua. Hiện toàn bộ cống cuối kênh Tây và bờ bao chống tràn đã bị gãy và sụt lở hoàn toàn, tuyến đường bờ bao bị chia cắt không thể đi lại được, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Nguyên nhân được xác định do mưa lớn làm bão hòa đất, kết hợp với dòng chảy nội đồng từ kênh tiêu kênh Tây đổ ra trục tiêu Trung Thủy Nông đã làm xói toàn bộ đất đáy cống và sạt lở đất bờ sông. Đáng ngại, hiện tượng xói lở vẫn tiếp diễn với xu hướng ăn sâu vào bờ và có nguy cơ làm sạt lở thêm tuyến kênh Tây và đất trồng rau an toàn.

Vẫn còn tư tưởng chủ quan

Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, của UBND thành phố cho thấy vẫn còn những hạn chế, cụ thể: Khi xảy ra úng ngập, thiên tai việc thực hiện các phương án được duyệt ở một số địa phương, cơ sở còn lúng túng, chưa sát với thực tế, thậm chí triển khai chậm gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, trông chờ ỷ lại và cho rằng Hà Nội ít xảy ra thiên tai, nên chưa xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai...

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều, thoát lũ chưa được xử lý, giải tỏa dứt điểm. Trong khi đó, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, điều đáng lo ngại, ở một số quận, huyện việc xử lý vi phạm phát luật về đê điều còn nặng hình thức, thiếu kiên quyết nên kết quả đạt được rất hạn chế.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, ngoài việc chủ động xây dựng cụ thể phương án chuẩn bị, sẵn sàng áp dụng phương châm “4 tại chỗ” chủ động ứng phó và thực hiện. Cần tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể triển khai kế hoạch giảm nhẹ thiên tai cả trước mắt và lâu dài trong điều kiện đầy biến động do thiên tai gây ra. Chủ động rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, sửa chữa, khắc phục sự cố trước mùa mưa bão. Mỗi gia đình phải tự lo liệu việc ứng phó với thiên tai trước khi có sự can thiệp giúp đỡ từ bên ngoài, tránh tư tưởng chủ quan ỷ lại trong nhân dân là hoạt động cần được chú trọng thực hiện thường xuyên và liên tục.

Bằng sự phòng chống chủ động trong mọi tình huống, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội ngày càng bền vững.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t