Hà Nội xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp giá trị cao (19:49 29/12/2020)


HNP - Ngày 29/12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án chuỗi, giai đoạn 2016- 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội, giai đoạn 2019-2020. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thể, cá nhân


Trong giai đoạn 2016- 2020, để triển khai các hoạt động thuộc Dự án chuỗi và Kế hoạch phát triển nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm phát triển nông nghiệp là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.
 
Sau 5 năm triển khai, kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica cho thấy các chỉ tiêu năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã hình thành được 3-5 chuỗi liên kết giá trị gạo Hà Nội. Đến hết năm 2020, Hà Nội xây dựng 10-15 vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và các giống bưởi đặc sản Hà Nội theo chuỗi giá trị, quy mô 500ha; hoàn thiện 11 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2020, các chuỗi chăn nuôi cung cấp cho thị trường Hà Nội 14 tấn thịt lợn/ngày; 6,5 tấn thịt gia cầm/ngày; 105 nghìn quả trứng/ngày; 105 tấn sữa/ngày; 1 tấn thịt bò/ngày...
 
Các chuỗi liên kết đã tạo ra giá trị kinh tế cao, điển hình như sản xuất lúa Japonica đạt hơn 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7 từ 14- 16 triệu đồng/ha/vụ, lúa thường 20 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội so với năm 2018 đã cho năng suất quả tăng 13,5% (25,0 tạ/ha), sản lượng tăng 42,1% (45.384 tấn). Hiệu quả kinh tế đạt 589 triệu đồng/ha; chuỗi chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, hằng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao. Sau khi Kế hoạch kết thúc sẽ tạo ra 5.500 con bê lai chất lượng cao, bê sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, bán được giá cao hơn so với các giống bò khác từ 3-5 triệu đồng/con. Gia tăng giá trị sản phẩm bê từ 10-20% so với các bê thông thường khác. Giá trị tăng thêm ước đạt 27,5 tỷ đồng…
 
Việc triển khai các dự án chuỗi cũng đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hoá chất (các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ độc hại cao) trong sản xuất nông nghiệp. Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ, nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường bền vững.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền biểu dương những kết quả mà ngành Nông nghiệp đạt được trong thời gian qua về xây dựng chuỗi và sản xuất nông nghiệp. Đồng chí đề nghị Sở NN&PTNT cũng như các ban, ngành liên quan, trong thời gian tới, cần tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm; chế biến, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát các vùng, xã để phát triển sản xuất, phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển con giống chất lượng cao, phát huy lợi thế của từng vùng và địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành, tiếp tục tăng cường tuyên truyền quảng bá xúc tiến thương mại.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t