Kinh tế Thủ đô năm 2019 dự kiến tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua (19:56 03/12/2019)


HNP - Chiều 3-12, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV, thảo luận tại các tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các đại biểu HĐND Thành phố đánh giá, tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cùng với nhiều chủ trương trúng và đúng đã lan tỏa xuống cơ sở, tạo động lực để các quận, huyện hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào kết quả chung của toàn Thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu trao đổi tại phiên thảo luận Tổ số 2


Phát biểu trao đổi tại phiên thảo luận của Tổ số 2 (gồm các tổ: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thường Tín, Ba Vì, Ứng Hòa), đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) nêu các vấn đề như: Thành phố đang phát triển, có nhiều khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vì vậy, việc xả thải ra môi trường xử lý như thế nào để đạt tỷ lệ 95% tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải vào năm 2020; vấn đề chuyển dịch cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm trong nội đô ra ngoài trung tâm, chuyển cơ quan ra khỏi địa bàn trung tâm. Đại biểu cũng đề cập đường ống nước sông Đà qua 2 năm vỡ 17-18 lần và vừa qua, lại xảy ra sự cố nhiễm dầu, điều quan trọng là nguồn nước để xử lý thành nước sạch cũng là để tưới tiêu...
 
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) đề nghị quan tâm tập trung vào đường vành đai 4, đây là vành đai dễ làm khi mặt bằng đang đợi sẵn, khi xây dựng sẽ định hình cho Thủ đô văn minh, hình thành đô thị vệ tinh lõi. 
 
Đối với ngành nông nghiệp, đại biểu Chu Phú Mỹ cho biết, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành đều tăng trưởng, tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi làm thiệt hại trên 3% tổng đàn lợn của Thành phố. Sang năm 2020, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, ngoài việc tiếp tục phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngành tiếp tục chỉ đạo tiếp tục tái đàn lợn, chuyển sang chăn nuôi bò thịt, gia cầm; chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa quả sang trồng cam và các loại khác; tiếp tục phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm.
 
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Tổ Hoàn Kiếm) cho biết, theo kết quả tính toán của Cục Thống kê thành phố, kinh tế Thủ đô cả năm 2019 dự kiến tăng trưởng 7,62%, mức tăng cao nhất trong 10 năm vừa qua. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP cũng giải trình làm rõ thêm 23 vấn đề mà các đại biểu đã nêu tại phiên thảo luận tổ, như: Bảo trì, sửa chữa các khu nhà tái định cư, di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô, kịp thời cung cấp thông tin tuyên truyền cho báo chí để tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhân dân...
 
Cần linh hoạt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng
 
Thảo luận tại tổ số 3, gồm các đơn vị: Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hai Bà Trưng
 
Theo Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải, mặc dù tiền thu từ đất không đạt kế hoạch, nhưng dự kiến thu ngân sách cả năm 2019 của quận vẫn đạt khoảng 8.500-8.700 tỷ đồng. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cho rằng, một trong những tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tiến độ các dự án chính là công tác GPMB. Vì vướng GPMB nên nhiều dự án chưa được đấu giá, chưa thu được tiền sử dụng đất. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm đề nghị Thành phố cần có sự linh hoạt hơn nữa để GPMB phải nhanh hơn, bởi đây là chìa khóa quan trọng nhất.
 
Về vấn đề ùn tắc giao thông, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cho rằng một trong những nguyên nhân chính là dòng người từ các huyện ngoại thành đổ vào nội thành hằng ngày rất lớn, nếu không giải quyết được vấn đề này thì làm thêm đường bao nhiêu cũng không đủ. Do vậy, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm kiến nghị Thành phố phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị vệ tinh, gắn với di dời các cơ sở sản xuất, trường học ra ngoại thành để giảm tải cho khu vực nội đô.
 
Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải phát biểu tại phiên thảo luận tổ
 
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương đánh giá, kết quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một điểm sáng trong năm 2019. Đồng chí cho biết: Đến nay, trên địa bàn quận chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm 0,04%. Ngoài ra, từ kết quả xúc tiến, thu hút đầu tư của Thành phố, quận đã đón nhận 6 dự án FDI với số vốn 1,2 tỷ USD. Đây sẽ là những động lực tăng trưởng quan trọng cho quận. Theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chiếm 1/3 số di tích lịch sử của cả nước, tuy nhiên, mỗi di tích như vậy khi cần xây dựng, tu bổ phải xin thỏa thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mất từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy, Thành phố cần đề nghị Bộ phân cấp cho Hà Nội trong công tác này.
 
Còn theo Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Cường, năm 2019, Thành phố đã có nhiều chủ trương trúng và đúng, đi vào cuộc sống. Tiêu biểu như Nghị quyết 26 của Ban Thường vụ về quản lý nhà chung cư, đến nay, những tồn tại, bức xúc đã giảm đi nhiều. Hay như Đề án 21 của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp người hoạt động không chuyên trách, bước đầu đã cho thấy hiệu quả, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở phấn khởi, yên tâm hơn, chất lượng hoạt động cũng tăng lên. Bí thư Quận ủy Hà Đông kiến nghị, Thành phố tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp đất dịch vụ cho Nhân dân, hiện nay, trên địa bàn quận còn trên 20 nghìn trường hợp.
 
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố Lê Văn Thư cho rằng, Hà Nội là Thành phố trọng điểm về du lịch, tuy nhiên, vấn đề môi trường còn đặt ra nhiều băn khoăn. Chính vì thế, Thành phố cần tiếp tục quyết liệt hơn trong công tác này, trọng tâm là làm tốt việc thu gom rác thải; kiểm soát các công trình xây dựng, các phương tiện chở vật liệu, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường. Ông Lê Văn Thư cũng kiến nghị Thành phố cần quan tâm, giải quyết tốt những kiến nghị, phản ánh của cử tri...
 
Lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế là có tội với nhân dân
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận
 
Thảo luận tại Tổ đại biểu số 5, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các tờ trình của UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp, dịch vụ; phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo di tích; giải pháp giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
 
Cụ thể, Đại biểu Đoàn Văn Trọng (tổ Mê Linh) cho rằng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP trong năm có tăng nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, Thành phố cần tích cực đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp. Đại biểu phản ánh, trên địa bàn huyện Mê Linh có khu công nghiệp Quang Minh 2 đã được quy hoạch từ năm 2002 và giao cho chủ đầu tư người Đài Loan làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án rất chậm triển khai và mới dừng ở duyệt quy hoạch 1/500. Đại biểu đề nghị TP xem xét lại năng lực chủ đầu tư để sớm triển khai dự án, tránh lãng phí tài nguyên đất, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô. Đại biểu đề nghị Thành phố xem xét, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực cần phải thu hồi lại dự án để giao cho chủ đầu tư khác thực hiện. Đồng thời, đối với những khu vực người dân dành đất để phát triển khu công nghiệp Thành phố cũng cần có các cơ chế hỗ trợ như hỗ trợ về hạ tầng, đường làng, ngõ xóm…
 
Băn khoăn về các nguồn lực của Thành phố bị sử dụng lãng phí, đại biểu Trần Thị Vân Hoa (tổ Tây Hồ) cho rằng tốc độ tăng trưởng GRDP công nghiệp - dịch vụ chưa tương xứng với tiền năng Thủ đô. Trong khi vốn giải ngân xây dựng cơ bản rất chậm, chỉ đạt hơn 39%, nhiều dự án xây dựng hạ tầng không đảm bảo tiến độ, làm thất thoát tài sản, tiền của của nhà nước, từ thực trạng trên đại biểu cho rằng có tiền mà không làm được dự án, không giải ngân xây dựng được là có tội với nhân dân. Đồng thời, đại biểu cũng phản ánh hiện còn rất nhiều dự án chậm tiến độ và đề nghị TP kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai, nếu cần thì thu hồi để tránh lãng phí đất, nhất là các dự án dân sinh bức xúc, điển hình như dự án Chợ Xuân La, hơn 10 năm chưa triển khai mà dân thì không có chợ.
 
Cùng với đó, Đại biểu cũng phản ánh, đến nay, mới có 1/13 DN phê duyệt được phương án cổ phần hóa, 1/31 DN thực hiện được việc thoái vốn. Như vậy là tiến độ cổ phần hóa DN diễn ra rất chậm, gây lãng phí nguồn lực nhà nước. Đại biểu đề nghị TP cần có giải pháp cụ thể về vấn đề này.
 
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (tổ Gia Lâm) đề nghị TP xem xét độ hiệu quả của Ban Đổi mới doanh nghiệp. TP cần xem xét, giải quyết triệt để các khó khăn, tạo điều kiện để cho DN cổ phần hóa, để làm được việc này, cần quy trách nhiệm rõ cho tường đơn vị, các sở ngành cũng cần tích cực vào cuộc để hỗ trợ DN.
 
Đại biểu Thích Chiếu Tuệ (tổ Hoàng Mai) phản ánh hiện việc ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề cần tập trung giải quyết. Những vấn đề trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế khi mà các doanh nghiệp nước ngoài đắn đo không muốn đầu tư vào Hà Nội. Đại biểu đề nghị UBND TP cần tập trung giải quyết các vấn đề nêu trên. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư, tôn tạo các điểm di tích văn hóa nhất là Hoàng Thành Thăng Long, Thư viện Hà Nội… phát triển các điểm này thành nét đặc trưng của Hà Nội để gìn giữ văn hóa cũng như thu hút khách du lịch.
 
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các ý kiến của các đại biểu. Đồng thời, với tư cách là Đại biểu HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc tuấn cũng đặt ra các vấn đề để Thành phố nghiên cứu giải quyết như để giảm ùn tắc giao thông cần phải triển khai tốt hệ thống giao thông công cộng, đến nay, theo thống kee của Sở GTVT mới có 15% hành khách sử dụng phương tiện công cộng và dự tính đến năm 2020 là 20%. Để tăng hành khách sử dụng phương tiện công cộng cần đẩy nhanh tiến độ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; đối với tuyến đường số 3 Nhổn - ga Hà Nội, trong năm 2020, phải khai thác đoạn trên cao trước từ Nhổn đến Khạch sạn Daewoo.
 
Về tiến độ cổ phần hóa DN, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cũng cho rằng Thành phố cần có lộ trình, bước đi, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đối với các dự án chậm triển khai, HĐND TP đã có Nghị quyết về vấn đề này và đề nghị UBND TP nghiêm túc thực hiện, kiên quyết thu hồi các dự án chủ đầu tư yếu, kém năng lực dẫn đến chậm tiến độ.
 
Lo ngại công tác quản lý đất đai tại các huyện ngoại thành
 
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 6
 
Đại biểu Đinh Trường Thọ (huyện Thanh Oai) nêu ý kiến về tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở các quận giảm nhiều nhưng quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở huyện khó khăn bởi thiếu chế tài đủ mạnh. Công nghệ xây dựng hiện rất nhanh, sau một đêm dựng xong khung mái tôn, hình thành dãy nhà. Do đó, nếu không có chế tài mạnh thì không thể xử lý được vì huyện không đủ thẩm quyền. Ngoài ra, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, làm nơi tập kết bán vật liệu xây dựng vô cùng tràn lan, các huyện khó khăn trong quản lý nếu không có chế tài mạnh.
 
Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cùng các đại biểu thảo luận
 
Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về các nội dung: Quy hoạch, cải tạo chung cư cũ, ô nhiễm không khí, vấn đề nước sạch. Các đại biểu cho rằng, Thành phố cần sớm hoàn thành các quy hoạch phân khu để thúc đẩy đô thị hóa; tăng cường giải pháp tăng thu ngân sách qua khai thác nguồn lực đất đai. Đối với việc cải tạo chung cư cũ, hiện vẫn đang bế tắc và trong báo cáo chỉ nêu chung chung. Do đó, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần phải đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai trong thời gian tới.
 
Về vấn đề giao thông đô thị, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Thành phố nên có nghị quyết tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông đô thị, đặc biệt là phát triển các tuyến Đường sắt đô thị theo quy hoạch để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay, đồng thời, góp phần hạn chế các phương tiện cá nhân, giảm thiểu khí thải, một trong những nguyên nhân chính gây ôn nhiễm không khí hiện nay.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t