Thường Tín: Chú trọng đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa (21:09 15/12/2020)


HNP - Huyện Thường Tín hiện có trên 462 di tích và công trình tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có 122 di tích đã được xếp hạng, gồm 61 di tích cấp Quốc gia, 61 di tích cấp Thành phố. Đa số các di tích có niên đại trên dưới 300 năm và trải qua quá trình biến thiên của thời gian, chiến tranh, các di tích đã và đang xuống cấp. Vì vậy, trong những năm qua, huyện đã chú trọng công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hóa và công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Tam quan chùa Đậu được đầu tư tu bổ


Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống di tích trên địa bàn huyện, thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo và bảo tồn phát huy giá trị di tích, lưu giữ truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, ngày 15/12/2017, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn, các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 21 và hoạt động bảo vệ, giữ gìn, trùng tu, tôn tạo di tích; chủ động phối hợp với các báo đài tuyên truyền, quảng bá du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.
 
Đến nay, 100% các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện đều do UBND huyện quản lý theo phân cấp quản lý của UBND thành phố đảm bảo quy định theo Luật Di sản Văn hoá, các quy định pháp luật hiện hành và của Thành phố về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tại các xã, thị trấn. Trong 3 năm qua, huyện đã hỗ trợ tu bổ đối với 35 di tích xuống cấp với tổng số tiền 21 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 là 11 di tích với số tiền là 5,2 tỷ đồng; năm 2019 là 17 di tích với số tiền 8 tỷ đồng; năm 2020 là 11 di tích với số tiền 7,8 tỷ đồng, tiêu biểu như di tích đền Ngũ Xã, xã Quất Động với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; di tích địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nghiêm Xuyên với tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, 32/35 di tích đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư tu bổ, tôn tạo; 3/35 di tích đang trong quá trình thi công tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ xong vào cuối năm 2020.
 
Bên cạnh nguồn hỗ trợ chống xuống cấp từ ngân sách huyện, các xã, thị trấn cũng đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: di tích chùa Khê Hồi, xã Hà Hồi ngoài tiền huyện hỗ trợ, nguồn xã hội hóa huy động được 3,9 tỷ đồng; Di tích chùa Pháp Vân, xã Văn Bình nguồn xã hội hóa huy động được 4,8 tỷ đồng; Di tích Nhà thờ các vị tướng quân dòng họ Ngô, xã Liên Phương nguồn xã hội hóa huy động được 2,4 tỷ đồng; Đình Phúc Am, xã Duyên Thái nguồn xã hội hóa huy động 4,5 tỷ đồng; Di tích đình Bình Vọng, xã Văn Bình nguồn xã hội hóa huy động 7 tỷ đồng… Tổng kinh phí xã hội hóa huy động được từ nhân dân giai đoạn 2018 - 2020 phục vụ việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện đạt trên 50,6 tỷ. Bên cạnh đó, một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, sửa chữa bằng nguồn xã hội hoá 100% như Chùa Nỏ Bạn, xã Vân Tảo kinh phí xã hội hóa là 1,7 tỷ đồng; Đền Vĩnh Mộ xã Nguyễn Trãi kinh phí xã hội hóa 500 triệu đồng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số tồn tại, khó khăn như: số lượng di tích nhiều, công trình tôn giáo tín ngưỡng, trải qua biến thiên của thời gian và chiến tranh tàn phá, vì vậy, hiện trạng có nhiều di tích đang xuống cấp. Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của thành phố, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích còn hạn chế so với tổng số di tích trên địa bàn huyện. Số lượng di tích nằm trong danh mục kiểm kê trên địa bàn huyện còn tương đối lớn, đang trong tình trạng xuống cấp chưa được quan tâm hỗ trợ, bảo tồn, tu bổ tôn tạo kịp thời. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư sự lấn át, xâm phạm của những lợi ích kinh tế trước mắt… dẫn đến sự xuống cấp của nhiều di tích. 
 
Có thể thấy, các di tích được hỗ trợ, đầu tư tu bổ, tôn tạo ngày một trở nên khang trang, vững chắc hơn, qua đó đáp ứng lòng mong mỏng của chính quyền nhân dân địa phương, phục vụ tín ngưỡng tâm linh tại các cộng đồng làng xã và du khách thập phương. Đồng thời, đẩy mạnh phát huy và khai thác giá trị di tích một cách hợp lý, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của nhân dân địa phương, đặc biệt là thúc đẩy du lịch. Đặc biệt từ khi, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 của HĐND huyện về việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện, đã khích lệ động viên, sự đồng thuận nhân dân, tạo đà cho việc huy động xã hội hóa của địa phương, huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo.

Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t