Làng nghề truyền thống huyện Thạch Thất: Đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn (20:46 07/02/2020)


HNP - Các làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh thành phố tập trung cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Những đóng góp của thành phần các làng nghề truyền thống không những nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Phát huy lợi thế làng nghề

Huyện Thạch Thất có nhiều làng nghề lưu truyền các sản phẩm thủ công chứa đựng giá trị vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú như: Cơ kim khí nông cụ xã Phùng Xá, dệt may Hữu Bằng, mộc Chàng Sơn, mộc Hương Ngải, mộc xây dựng Canh Nậu, Dị Nậu, mây giang đan Bình Phú, chè lam Thạch Xá, bánh tẻ Cầu Liêu, chè kho Đại Đồng... Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Nhân dân huyện Thạch Thất luôn giữ gìn và phát huy ngành nghề truyền thống do các thế hệ ông cha để lại, mỗi làng nghề đều mang tính đặc trưng riêng. Sản phẩm của làng nghề sản xuất bằng phương pháp thủ công với những bàn tay khéo léo, sáng tạo và mắt thẩm mỹ của những nghệ nhân, thợ giỏi đã thổi hồn vào trong tác phẩm tạo nên những sản phẩm tinh xảo mang những nét đặc sắc riêng biệt của làng nghề.

Nhờ phát huy tiềm năng lợi thế, nhiều làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất đang trên đà phát triển không ngừng. Đơn cử làng nghề Chàng Sơn, từ lâu nối tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Những người thợ ở đây với đôi tay tài hoa, khéo léo đã chạm khắc ra các tác phẩm nghệ thuật, các tượng Phật đạt đến đỉnh cao của giá trị nghệ thuật. Trải qua nhiều thế kỷ, làng nghề mộc Chàng Sơn không hề bị mai một mà ngày càng mở rộng và phát triển. Đến nay, những sản phẩm của làng nghề mộc Chàng Sơn phong phú đa dạng như: Sập gụ, tủ chè, án gian, thiều châu, cửa võng, hoành phi câu đối, nhà kẻ truyền, đình, chùa mang đậm tính truyền thống. Ngoài ra, người dân làng nghề còn sản xuất các sản phẩm nội thất vươn xa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ở các làng nghề khác trên phạm vi cả nước...

Theo ông Hoàng Chí Lượng, trong cơ chế thị trường, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhờ sự nhạy bén, năng động của người dân, các làng nghề của huyện Thạch Thất cũng đem lại sự phồn thịnh. Làng nghề Cơ kim khí Phùng Xá là một ví dụ. Đến nay, làng nghề này có 165 doanh nghiệp, 800 hộ sản xuất cơ khí, thu hút hơn 5.000 lao động trong làng và các địa phương khác tham gia làm nghề. Hay làng nghề mộc và may xã Hữu Bằng, đến nay, hai nghề này phát triển đã trở thành nghề sản xuất chính của người dân địa phương, với cơ cấu kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 99% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Đặc biệt với làng nghề mộc và xây dựng xã Canh Nậu có 3.075 hộ và 14.197 nhân khẩu, có tới 875 hộ làm nghề, 1.824 lao động tham gia. Nét đặc trưng sản phẩm làng nghề là nghề xây dựng và nghề mộc chạm khắc, đồ gỗ mỹ nghệ nhiều loại sản phẩm với bàn tay khéo léo của những người thợ, sản phẩm được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Còn làng nghề mộc và xây dựng xã Dị Nậu, từ khi có nghề đến nay đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hằng năm tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã và một số địa phương lân cận góp phần tăng thu nhập cho mỗi gia đình, thúc đẩy nền kinh tế làng nghề phát triển bền vững. Hiện nay, làng nghề Dị Nậu có 1.670 hộ, dân số 7.051 nhân khẩu, trong đó, có 514 hộ gia đình với tổng số 1.265 lao động làm nghề mộc và xây dựng.

Nâng cao giá trị kinh tế, bảo tồn nét đẹp văn hóa

Đến nay, huyện Thạch Thất có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, các làng nghề truyền thống của huyện đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn đa dạng, phong phú phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động tăng thu nhập trong nhân dân đồng thời phần bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa của làng nghề. Phát huy những giá trị của làng nghề, thời gian tới, huyện Thạch Thất tiếp tục phát huy tiềm năng của các làng nghề truyền thống, khuyến khích phát triển các nghề truyền thống đã và đang có chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, khuyến khích và tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ tham gia sáng tạo phát triển làng nghề.

Cùng với đó, huyện Thạch Thất vừa triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP. Trong đó, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, Chàng Sơn - giai đoạn 2 theo quyết định của UBND thành phố để tạo mặt bằng sản xuất cho các hộ, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với khả năng sáng tạo ra những sản phẩm mới, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hạ, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống của người lao động tại địa phương có ngành nghề truyền thống phát triển. Huyện Thạch Thất cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố và Trung ương có các hình thức tôn vinh những người giỏi nghề truyền thống như: Xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân, bàn tay vàng... “Đặc biệt, thanh niên nông thôn ở các làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất là lực lượng lao động trẻ, khoẻ, có trình độ văn hoá, có năng lực sáng tạo, được xem là lực lượng nòng cốt trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Do đó, huyện sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác truyền nghề, nâng cao nghề, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và năng lực quản lý cho thanh niên, để thanh niên có thể tham gia sản xuất, tổ chức sản xuất, sáng tạo phát triển làng nghề”, ông Nguyễn Kim Loan nhấn mạnh.

Ngoài ra, huyện Thạch Thất còn tạo điều kiện thu hút và đầu tư vốn vào phát triển làng nghề truyền thống. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, các quỹ hỗ trợ của các tổ chức xã hội tạo điều kiện cho vay ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển nghề truyền thống tại địa phương. Hỗ trợ cho các cơ sở nghề và làng nghề tham gia hội chợ triển lãm, tiếp cận thị trường. Thường xuyên giới thiệu thông tin về thị trường, các chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển làng nghề cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh ngành nghề truyền thống...

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin chắc các làng nghề truyền thống của huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế cũng như giải quyết nhiều việc làm cho người lao động trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.


H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t