Giám sát tình hình cung cấp nước sạch cho các khu vực thuộc vùng phục vụ của Nhà máy nước mặt sông Đuống (15:37 09/08/2023)


HNP - Sáng 9/8, tại Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống (huyện Gia Lâm), Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát tình hình cung cấp nước sạch cho các khu vực thuộc vùng phục vụ của Nhà máy nước mặt sông Đuống. 

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại trạm bơm nước thô của nhà máy


Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống hiện đang cung cấp nước sạch ổn định cho khoảng 3 triệu người dân Thủ đô và vùng lân cận, giải quyết được tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt cho Thủ đô, nhất là vào các giai đoạn Hè nắng nóng. Nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống là nguồn nước mặt, thay thế các nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân. Công suất phát nước thực tế của nhà máy đã tăng dần theo các năm. Cụ thể, nếu năm 2009, sản lượng bình quân ngày là 98.800 m3/ngđ, thì đến nay đã là 230.000 m3/ngđ. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm nắng nóng Hè năm 2023 vừa qua, nhà máy đã phát khoảng 280.000 m3/ngđ (gần bằng công suất thiết kế giai đoạn 1) để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân.
 
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống, trong 4 năm đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống chỉ được tạm thanh toán theo mức 5.069,76 đồng/m3, thấp hơn rất nhiều so với chi phí giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Dẫn đến Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã và đang chịu áp lực rất lớn về tài chính do liên tục phải đối diện với tình trạng thiếu hụt dòng tiền ngày càng nghiêm trọng, không có đủ dòng tiền thanh toán chi phí hoạt động và trả nợ gốc, lãi vay đến hạn cho ngân hàng (lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng).
 
Để Công ty có nguồn lực tài chính, phần nào tháo gỡ những khó khăn, ổn định sản xuất phục vụ cấp nước cho người dân Thủ đô, cuối năm 2021, trên cơ sở kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 526-TB/TU ngày 19/10/2021; ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 4580/UBND-KT ngày 20/1/2021, các đơn vị lưu thông đã thực hiện tạm thanh toán chi phí mua nước cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống theo mức 5.069,76 đồng/m3 từ thời điểm phát nước (1/2019) cho đến khi Nhà máy nước mặt có giá nước sạch chính thức. Đồng thời, xem xét phương án xử lý khoản chênh lệch giữa giá tạm thanh toán và giá nước chính thức cho Nhà máy nước mặt sông Đuống sau khi phương án giá nước của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống được UBND Thành phố phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.
 
Ngày 14/9/2022, giá bán buôn nước sạch sinh hoạt của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3342/QĐ-UBND. Song việc thanh toán khoản chênh lệch nêu trên vẫn chưa được tháo gỡ và hướng dẫn thực hiện để giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố.
 
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được thực hiện bằng 80% nguồn vốn vay của Ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay được xác định 3 tháng một lần theo lãi suất cơ sở (thả nổi), do đó, chi phí tài chính của phương án giá nước cũng như chi phí hoạt động của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống chịu tác động rất lớn đối với các biến động lãi suất ngân hàng.
 
Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống áp dụng giá bán buôn nước sạch theo Quyết định số 3342/QĐ-UBND với lộ trình năm 2023 giá 8.326 đồng/m3, năm 2024 áp dụng giá 9.100 đồng/m3. Tuy nhiên, đến nay, một số đơn vị lưu thông như Công ty cổ phần VIWACO, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông vẫn chưa thực hiện ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá để thành toán cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đầy đủ theo giá bán đã được quy định.
 
Đoàn Giám sát khảo sát tại phòng điều hành Trung tâm của nhà máy
 
Trước những khó khăn trên, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống kiến nghị UBND Thành phố, Sở Tài chính có văn bản chỉ đạo Công ty cổ phần VIWACO, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông thực hiện thanh toán giá nước theo đúng Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 và Quyết định số 3541/QĐ-UBND ngày 7/7/2023 của UBND Thành phố.
 
Đồng thời, đơn vị cũng kiến nghị UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thực hiện thanh toán phần chênh lệch giữa mức tạm thanh toán (mức 5.069,76 đồng/m3) và giá chính thức được duyệt tại Quyết định 3342/QĐ-UBND đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ cho đơn vị.
 
Tại buổi giám sát, Ban Đô thị HĐND Thành phố đã trao đổi, yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ các vấn đề về quyết toán giá trị chênh lệch giá tạm thanh toán và giá bán buôn nước sạch được duyệt; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, đặc biệt chất lượng nước đầu vào và phát hiện sự cố (nếu có); công tác kiểm soát đầu nguồn nước; đánh giá lộ trình để mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực phía Tây Nam Thủ đô.
 
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Đàm Văn Huân nhận định, sản lượng nước của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đảm bảo chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước. 
 
Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, Ban Đô thị HĐND Thành phố đề nghị Sở Xây dựng rà soát toàn bộ quy hoạch, tham mưu điều chỉnh quy hoạch cấp nước trong quy hoạch chung Thủ đô; Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao trách nhiệm vấn đề an ninh nguồn nước, liên hệ với các trạm quan trắc xa hơn để có dự báo, thông số quan trắc kịp thời, đồng thời, cần có giải pháp hạn chế sử dụng nước ngầm, phân vùng khai thác để tránh hiện tượng lún sụt. 
 
Đồng chí Đàm Văn Huân cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao hồ sơ các dự án cấp nước sạch nông thôn cho Sở Xây dựng, từng bước giảm sản lượng nước ngầm, khuyến khích vùng nông thôn dùng nước sạch đô thị.
 
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng và hoàn thành theo Quyết định Chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND ngày 3/6/2016 của UBND thành phố Hà Nội, công suất giai đoạn I là 300.000 m3/ngày đêm, công suất thiết kế theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2050 là 900.000 m3/ngày đêm.
 
Địa điểm xây dựng xã Phù Đổng và xã Trung Màu, huyện Gia Lâm với mục tiêu: Cấp nước bổ sung nguồn cấp nước sạch cho khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội, gồm các quận, huyện: Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị và công nghiệp trên đường 179; khu vực trung tâm và phía Nam Hà Nội (bao gồm quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông và huyện Thanh Trì, Thường Tín) và vùng phụ cận là tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t