Khai mạc chương trình Tết Việt đón Xuân Mậu Tuất tại phố cổ (12:51 03/02/2018)


HNP - Chiều 2/2, tại đình Kim Ngân (42-44 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc chương trình Tết Việt đón Xuân Mậu Tuất.

Nghệ nhân trẻ Đỗ Đình Trung trình diễn kỹ thuật làm tranh Kim Hoàng


Chương trình Tết Việt đón Xuân Mậu Tuất tại không gian đình Kim Ngân gồm các hoạt động: gian trưng bày, trình diễn, giới thiệu tranh Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng là dòng tranh nổi tiếng của Hà Nội, từng bị thất truyền sau năm 1945, nhưng với nỗ lực của Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng, dòng tranh này đã trở lại thị trường. Tranh Kim Hoàng sử dụng giấy dó, quét màu đỏ, trên đó in, vẽ các chủ đề khác nhau, chủ yếu là tranh thờ, tranh Tết. Sắc đỏ chủ đạo của gian trưng bày tranh Kim Hoàng khiến không gian trở nên ấm áp trong những ngày giá lạnh. Nghệ nhân trẻ Đỗ Đình Trung cho biết: "Cùng với những mẫu tranh truyền thống, năm nay, Dự án giới thiệu mẫu tranh "Khuyển Nghê". Khuyển Nghê là loại Nghê được người xưa tạo ra trên cơ sở hình tượng hóa con chó. Mẫu tranh Khuyển Nghê được rất nhiều người quan tâm vì năm tới là năm Mậu Tuất".

Nghệ nhân biểu diễn thư pháp tại chương trình

Tại đình Kim Ngân, Ban Quản lý Phố cổ còn giới thiệu ban thờ người Việt cổ truyền ở thành thị và nông thôn, mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người tham gia thiết kế không gian trưng bày cho chương trình Tết Việt năm nay chia sẻ: "Chúng tôi muốn trưng bày này mang tính giáo dục truyền thống cho mỗi người, mỗi gia đình. Câu chuyện ban thờ Việt tưởng chừng đơn giản, nhưng có những giá trị văn hóa từng bị lãng quên mà bây giờ không phải ai cũng biết. Chúng tôi muốn giới thiệu nội dung, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của từng đồ vật người Việt xưa dùng trong thờ cúng để mọi người hiểu hơn về những giá trị cổ truyền".

Cũng nhân dịp này, Ban Quản lý Phố cổ cũng trưng bày hơn 100 con chó đá tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ). Cùng với trưng bày này là 60 tác phẩm hội họa mang chủ đề "Chó trong đời sống người Việt". Qua đó, người xem có thể có cái nhìn xuyên suốt về hình tượng con chó trong mỹ thuật từ truyền thống đến đương đại.

Tái hiện không gian Tết tại gia đình người Việt

Ngoài ra, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội còn hợp tác cùng CLB Thư Pháp Việt Tâm Bút, Câu lạc bộ Cây cảnh Nghệ thuật Thăng Long... trình diễn thư pháp, giới thiệu nghệ thuật cây cảnh và thú chơi cây cảnh của người Hà Nội trong ngày Tết và tổ chức sắp đặt không gian đón Tết của gia đình Hà Nội xưa tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây. 

Với mong muốn cùng mọi người, mọi nhà hướng về nguồn cội nhân dịp Tết Nguyên đán, chuỗi hoạt động Tết Việt do Ban Quản lý Phố cổ tổ chức đã đem đến không khí Tết cổ truyền sớm tại khu phố cổ, giúp khách tham quan và đặc biệt là các bạn trẻ về những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô.

Ngoài đình Kim Ngân, từ mùng 2 đến hết mùng 5 Tết Mậu Tuất (tức 17/2 đến 20/2), tại nhiều điểm di tích trong Phố cổ còn diễn ra các hoạt động trình diễn âm nhạc truyền thống để phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân.


Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t