Hiệu quả từ các mô hình vay vốn Quỹ Khuyến nông (14:21 25/12/2017)


HNP - Trong những năm qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã trở thành một kênh tín dụng ưu đãi có uy tín, gần gũi với nông dân. Thông qua việc hỗ trợ cho nông dân thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao được vay vốn, nhiều mô hình nông nghiệp ở các huyện ngoại thành nhờ Quỹ khuyến nông đã thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trao vốn vay từ Quỹ Khuyến nông cho hộ sản xuất tại xã Liên Châu, Thanh Oai


Quỹ Khuyến nông Hà Nội ra đời đã tạo thêm một kênh tài chính ưu đãi, giúp cho các chủ trang trại, các hộ sản xuất được vay vốn với mức phí thấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Trong giai đoạn 2002 - 2017, Quỹ đã giải ngân cho 3.095 lượt hộ vay, với số vốn quay vòng là 507,860 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay để phát triển chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất với 49,66% tổng số hộ vay và 50,88% tổng số vốn đã giải ngân. Ngành trồng trọt có tỷ lệ hộ vay vốn thấp nhất, chiếm 9,95% tổng số hộ vay vốn và chiếm 12,03% tổng số vốn đã giải ngân. 
 
Riêng lĩnh vực chăn nuôi, trong 2 năm 2016 và 2017, giá thành thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh ảnh hướng lớn đến thu nhập của người chăn nuôi. Nắm bắt được thực tế đó, cán bộ khuyến nông đã tích cực tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nên tỷ lệ nợ quá hạn của Quỹ, đến thời điểm 30/6/2017, chỉ có 20 hộ với số tiền 3,771 tỷ đồng, chiếm 2,16% tổng nguồn vốn để giải ngân của Quỹ. Nhiều Tiểu ban quản lý Quỹ, trong suốt nhiều năm, không có nợ quá hạn, như: Trạm Khuyến nông khu vực Nam Từ Liêm - Bắc Từ Liêm, Trạm Khuyến nông Thanh Trì, Trạm khuyến nông Thanh Oai, Đan Phượng… Phần lớn các hộ dân, chủ trang trại đều trả vốn đúng thời gian quy định, chưa để xảy ra tình trạng mất vốn.
 
Từ cấp thành phố đến các huyện, xã, Quỹ khuyến nông được quản lý chặt chẽ. Tại mỗi Trạm Khuyến nông đều có một tiểu ban Quản lý Quỹ khuyến nông do đồng chí Trạm trưởng hoặc Phó Trạm trưởng làm Trưởng tiểu bản, một cán bộ khác chuyên quản Quỹ khuyến nông và một cán bộ kỹ thuật là thành viên. Các phương án vay vốn Quỹ đã tạo ra nhiều mô hình điểm thu hút đông đảo cán bộ khuyến nông, nhân dân các vùng tới tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm.
 
Mặc dù có vai trò là liên kết hỗ trợ các hộ trong HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản tuy nhiên do không được hỗ trợ nguồn vốn vay nên hoạt động sản xuất của bà con xã viên diễn ra nhỏ lẻ, tự phát. Từ cuối năm 2013, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với xã hỗ trợ cho các hội viên HTX bằng vốn vay ưu đãi. Dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng vốn thực tế cho bà con nông dân, nguồn vốn vay ưu đã được tăng qua các năm. Nếu như năm 2013, tổng nguồn vốn đạt 5,7 tỷ đồng cho 15 hộ vay thì đến hết năm 2016 nguồn vay đã tăng lên 9,3 tỷ đồng được giải ngân cho 24 hộ vay… Đến năm 2017, đã có 62 hộ sử dụng vốn vay Quỹ khuyến nông với số tiền 22,7 tỷ đồng.
 
Cùng với việc hỗ trợ vốn vay để các hộ mua con giống vật tư, phương tiện vận chuyển, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật các hộ tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao, giúp cho các hộ có thu nhập ổn định, đồng thời có kế hoạch cụ thể để trả vốn, phí quản lý đúng kỳ hạn, đúng quy định. Ông Hoàng Như Dã, Giám đốc HTX thủy sản Châu Mai (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) cho biết: thông qua vốn vay Quỹ khuyến nông, xã đã giải quyết được khoảng 40% nhu cầu về vốn cho các hộ nông dân và chủ trang trại đầu tư vốn vào mở rộng quy mô phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn Quỹ khuyến nông đã giúp cho nhiều hộ nông dân, chủ trang trại mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động có thủ nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. 
 
Gia đình ông Cấn Văn Chiến ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cho biết: năm 2011, được sự quan tâm của Trung tâm khuyến nông Hà Nội, Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai đã tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình vay được 150 triệu đồng với mức phí ưu đãi 0,5% với thời hạn vay là 2 năm. Gia đình đã đầu tư nuôi cá chép và chăn nuôi vịt đẻ, với quy mô là 1,5 mẫu ao nuôi cá và nuôi 2.000 vịt đẻ trứng.
 
Ông Cấn Văn Chiến chia sẻ, trong quá trình sản xuất gia đình được cán bộ Trạm khuyến nông Quốc Oai thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật nên mô hình của gia đình dân đi vào ổn định và phát triển. Đến thời hạn trả vốn, gia đình đã thu xếp trả đầy đủ và đúng hạn. Đến năm 2014, để tăng quy mô chăn nuôi, gia đình đã tiếp tục làm đơn xin vay vốn Quỹ khuyến nông và tiếp tục được trạm khuyến nông huyện Quốc Oai tạo điều kiện cho vay mở rộng sản xuất…Nhờ vậy, đến nay, mô hình của gia đình đã có 1,5 mẫu ao nuôi cá chép, 3.000 vịt đẻ, 10.000 gà. Hiện tại, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trong xã và các xã lân cận đến thăm quan và trao đổi học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình VAC.
 
Có thể nói, nhờ nguồn hỗ trợ từ quỹ khuyến nông, các mô hình vay vốn Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ vào định hướng sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm an toàn, đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục nâng hiệu quả hoạt động Quỹ Khuyến nông. Tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu các mô hình vay vốn Quỹ đạt giá trị sản phẩm hàng hóa bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha canh tác/năm. Xây dựng những mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm. Tỷ lệ nợ quá hạn không vượt quá 2% tổng nguồn vốn để giải ngân của Quỹ.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t