Ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Đồng bộ nhiều giải pháp (11:16 05/09/2017)


HNP - Sử dụng kháng sinh trong một số trường hợp là cần thiết nhưng việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi thì cần thiết phải ngăn chặn. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, TP Hà Nội đã yêu cầu cơ quan chức năng mọi trường hợp vi phạm được phát hiện đều được xử lý nghiêm, kịp thời. Đồng thời, đưa ra tổng thể những giải pháp nhằm hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Nhận thức còn hạn chế

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 24.245 con trâu, 138.000 con bò (bò sữa gần 15.400 con), đàn lợn gần 1,6 triệu con, đàn gia cầm hơn 28,4 triệu con. Sản lượng trâu xuất chuồng từ đầu năm đến nay 1.041 tấn, bò xuất chuồng 6.623 tấn, lợn xuất chuồng 233.735 tấn, sản lượng sữa tươi thu hoạch 20.081 tấn, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 63.797 tấn... Trên địa bàn thành phố có 787 cửa hành buôn bán thuốc thú y, trong đó, 545 cửa hàng buôn bán thuốc dược phẩm, 218 cửa hàng buôn bán thuốc dược phẩm và vắc xin, 15 cửa hàng buôn bán hóa chất. Có gần 100 công ty sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn.

Với số lượng đàn gia súc gia cầm lớn, bên cạnh đó, môi trường chăn nuôi còn bị ô nhiễm nên người dân vẫn dùng kháng sinh với lượng lớn. Đối tượng dùng nhiều kháng sinh để phòng bệnh là gia cầm từ 1 đến 35 ngày tuổi và lợn từ sơ sinh đến cai sữa. Việc lạm dụng kháng sinh gây ra sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm do sự tồn dư kháng sinh. Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), qua điều tra tại một số địa phương cho thấy vẫn còn tình trạng sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi. Các loại kháng sinh được nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng là: Amoxicilin, Tylosin, Tetracilin, Lincomycin, Gentatylo, Enrofloxacin, Dexamethasone, Neomycin. Khí hậu nắng nóng mưa nhiều, mỗi lần thay đổi thời tiết, gia súc, gia cầm dễ bị ảnh hưởng, vì thế, một trong những biện pháp tối ưu mà người chăn nuôi hay dùng là bổ sung thêm các chất kháng sinh cho vật nuôi.

Nguyên nhân người chăn nuôi vẫn sử dụng kháng sinh do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nên nhận thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế. Nhiều Doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y vì lợi nhuận vẫn tăng cường quảng bá để bán được hàng mà không giới thiệu sâu về những tác hại, cơ chế ảnh hưởng của kháng sinh để người dân hiểu...

Ngăn chặn, xử lý kịp thời

Để giải quyết vấn đề về kháng sinh trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi tại các cơ sơ sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Sử dụng các loại kháng sinh không có trong danh mục; sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không đúng hàm lượng. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: cần nghiên cứu lộ trình quy định chỉ bác sĩ thú y được phép kê đơn kháng sinh điều trị cho đàn vật nuôi và chỉ được bán kháng sinh theo đơn của bác sĩ thú y; hạn chế, tiến tới không sử dụng kháng sinh cho mục đích kích thích tăng trọng; phòng bệnh bằng vắcxin thay thế việc phòng bệnh bằng kháng sinh; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh (các loại enzyme, các loại probiotic và prebiotic; các chế phẩm là thảo dược); xây dựng chương trình giám sát định kì, phân tích kháng sinh và chất cấm tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi; sử dụng đúng chủng loại kháng sinh cho từng loại bệnh; sử dụng đúng liều lượng được ghi trên nhãn sản phẩm hay theo đơn của bác sĩ; sử dụng đúng liệu trình quy định…

Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, trước mắt, tập trung kiểm soát hoạt động kinh doanh doanh, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Quản lý hoạt động hành nghề thú y, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và các hoạt động kinh doanh, buôn bán, hành nghề thú y theo quy định. Tập huấn phổ biến cho đội ngũ cán bộ thú y màng lưới từ huyện đến thú y thôn bản các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề sử dụng và hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Tổ chức lấy mẫu kiểm tra nhanh sự tồn dư các chất cấm, các kháng sinh tồn dư tại các lò mổ, lấy mẫu kiểm tra, phân tích các mẫu thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn thành phố.

Đi đôi với các giải pháp nêu trên, phải thực hiện đồng bộ song phải có lộ trình thực hiện, vừa tăng cường quản lý vừa đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó tăng cường phương thức tuyên truyền nguy cơ tác hại của việc lạm dụng kháng sinh để người chăn nuôi hiểu sâu và hạn chế áp dụng. Về lâu dài, người chăn nuôi cần quản lý tốt quy trình chăn nuôi, từ khâu sản xuất giống, chuồng trại, ánh sáng, nhiệt độ, nước uống và quy trình chăn nuôi được quản lý theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Sử dụng hợp lý, hiệu quả các loại kháng sinh, dần dần tiến tới không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t