Tọa đàm về Thừa phát lại trong đời sống xã hội của nhân dân thủ đô (19:50 28/11/2016)


HNP - Chiều 28/11, Báo Pháp luật và Xã hội (Sở Tư pháp Hà Nội) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thừa phát lại trong đời sống xã hội của nhân dân Thủ đô”.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm


Năm 2013, trên cơ sở Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mở rộng thí điểm mô hình Thừa phát lại. Là một trong các địa phương thực hiện thí điểm, thành phố Hà Nội đã quan tâm, quyết liệt triển khai chế định này.  Đến nay, các Văn phòng Thừa phát lại sau khi được cấp phép đi vào hoạt động đều rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vai trò cần thiết của mình trong đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô.
 
Tuy nhiên nhiều cơ quan, tổ chức chưa hiểu rõ, hiểu đúng về hoạt động của các Thừa phát lại. Buổi tọa đàm đã giúp bạn đọc hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của thừa phát lại và khi nào nên sử dụng dịch vụ này. Theo đó nhiều câu hỏi được các bạn độc giả gửi đến ban tổ chức đã được các chuyên gia, các chấp hành viên đến từ các văn phòng thừa phát lại và các phòng ban của Sở Tư pháp giải đáp.
 
Theo báo cáo, trong 10 tháng đầu năm 2016, 8 Văn phòng Thừa phát lại của Thành phố đã lập được 2.300 vi bằng, tống đạt 48.610 văn bản của Tòa án, 3.082 văn bản của cơ quan thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án 1 vụ. Số lượng vi bằng được các tổ chức, cá nhân sử dụng tăng lên với sự đa dạng về nội dung, yêu cầu; nhiều trường hợp tổ chức chính quyền dùng dịch vụ lập vi bằng của Thừa phát lại để thu hồi, giải phóng mặt bằng…
 
Theo Bộ Tư pháp, nếu tính trung bình số vụ việc thi hành án của những năm trước đây thì số lượng việc thi hành án do Thừa phát lại thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2016 vẫn duy trì ổn định. Trong các hoạt động của Thừa phát lại thì hoạt động lập vi bằng chiếm gần 62% tổng doanh thu. Kết quả đạt được bước đầu đã góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo tiền đề để tiếp tục giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS), tạo thêm công cụ pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia các giao dịch và giải quyết các tranh chấp. 
 
Đến nay, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 335 Thừa phát lại, hành nghề tại 13 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Nhằm chuẩn hóa đội ngũ Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 955/QĐ-BTP, ban hành chương trình khung đào tạo nghề Thừa phát lại với hình thức đào tạo tín chỉ trong thời gian 6 tháng.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t