Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (14:40 28/11/2016)


HNP - Sáng 28/11, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết đề án phát triển cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020.

Các đại biểu tham dự hội nghị


Từ năm 2013, UBND TP đã phê duyệt “Đề án phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020” nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp. Đề án ra đời trong bối cảnh thuận lợi là phong trào dồn điền đổi thửa được thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn TP với kết quả đạt được đến nay vượt xa mong đợi. Bên cạnh đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP và các huyện, thị xã cũng rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ đẩy mạnh CGH nông nghiệp như huyện Phú Xuyên có cơ chế hỗ trợ 70 triệu đồng/máy cày, huyện Thanh Oai và Thanh Trì hỗ trợ 50% giá trị máy, thiết bị CGH cho HTX dịch vụ nông nghiệp...
 
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đơn vị được Sở NN&PTNT Hà Nội giao chủ trì thực hiện đề án đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyên sâu và diện rộng cho cả đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở cùng nông dân về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị CGH nông nghiệp. Sau 4 năm thực hiện, giờ đây, những chiếc máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp chạy trên cánh đồng, máy vắt sữa bò, thái cỏ trong các trang trại chăn nuôi... đã là hình ảnh không còn xa lạ với người nông dân. 
 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đến nay, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất của TP đã đạt 95% (vượt 5,6% so với kế hoạch), CGH khâu thu hoạch đạt 52% (vượt 22%). Tỷ lệ CGH ở một số khâu trong chăn nuôi, thủy sản cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Việc thực hiện đề án CGH đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và tập quán canh tác của người nông dân, từ cách làm nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung quy mô lớn. 
 

Giới thiệu một số máy móc phục vụ công tác cơ giới hóa

Việc ứng dụng CGH đã góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cụ thể, theo tính toán, đầu tư CGH đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công.

Theo định hướng cơ giới hóa nông nghiệp của thành phố đến năm 2020, đối với ngành trồng trọt sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất lên 95%, cấy nâng lên 40%, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh có động cơ lên 80%, thu hoạch sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa gặt lên 60%. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức xây dựng mô hình thí điểm cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, phơi sấy bảo quản sau thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, thực hiện ở một số huyện trọng điểm trên địa bàn thành phố.
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: mặc dù mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của thành phố đã có chuyển biến. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ hoạt động cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó sẽ ban hành các chính sách về hỗ trợ tài chính, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua máy móc.
 
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng liên kết các hộ sản xuất, các HTX tạo thành quy mô sản xuất lớn, xóa bỏ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của kinh tế hộ. Trước mắt, ngoài lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng trong hoạt động chăn nuôi, đầu tư lĩnh vực cơ giới trong sơ chế bảo quản nông sản... Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tích cực tuyên truyền về lợi ích cho các hộ dân tham gia vào khâu làm mạ khay từ đó nâng cao diện tích cấy bằng máy, giảm chi phí và sức lao động cho người nông dân.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t