Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo: Kinh nghiệm từ các Thành phố Sáng tạo của UNESCO (19:41 01/11/2022)


HNP - Chiều 1/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện Unesco tại Hà Nội tổ chức hội thảo "Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo - kinh nghiệm từ các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong khu vực". Dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart cùng đại biểu Bộ Ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo


Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của Việt Nam. Trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào có được sự kết hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những Thành phố có cơ cấu dân số vàng, cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo gồm các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo... Hà Nội đã và đang có đầy đủ tiềm năng, lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
 
Năm 1999, Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế. Sau 3 năm thực hiện những sáng kiến thúc đẩy Thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo trên địa bàn Thủ đô với mục tiêu tạo ra một Trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng của các nhà thiết kế trẻ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, từng bước thực hiện một trong số các sáng kiến, cam kết với UNESCO.
 
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart cho biết, kể từ khi tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO vào năm 2019, Hà Nội đã thể hiện cam kết vững chắc trong việc thực hiện tầm nhìn là Thủ đô Sáng tạo và tăng cường phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Thành phố và đất nước. Mặc dù Hà Nội đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy môi trường văn hóa và sáng tạo, nhưng vẫn cần một nền tảng có thể kết nối các nhóm và cá nhân sáng tạo hiện có, cung cấp các nguồn lực có thể tiếp cận cho công chúng và tận dụng tiềm năng to lớn của giới trẻ để thiết kế tương lai của thành phố. 
 
Nhiều thành viên của UCCN (mạng lưới Thành phố sáng tạo) ở châu Á đã thiết lập thành công các mô hình trong cộng đồng của họ để tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy đổi mới và phát triển. "Tôi ý thức rằng việc phát triển và quản lý một trung tâm sáng tạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trên thực tế, đó là một quá trình từ xác định vị trí, thiết kế xây dựng và tổ chức những hoạt động để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững", Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart chia sẻ.
 
Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, hình thành các trung tâm thiết kế sáng tạo, từ việc tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý… đến triển khai các hoạt động thường niên, sự kiện theo mùa và nguồn kinh phí "nuôi" hoạt động, trong đó, nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của chính quyền, nhà nước cũng như sự tham gia của các bên liên quan để đem lại các sản phẩm sáng tạo có giá trị, giúp nâng cao chất lượng đời sống, bồi đắp bản sắc văn hóa đô thị. 
 
Tiến sĩ Dwinita Larasati, Tổng thư ký Diễn đàn Thành phố Sáng tạo Bandung, Indonesia cho biết: Là nơi tập hợp nhiều trường đại học, thành phố rất chú trọng tận dụng nguồn lực trẻ cho thúc đẩy sáng tạo. Tại đây, nhiều sinh viên đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ cũng rất năng động để hóa giải khó khăn từ tài chính như mở văn phòng ảo, hoặc chọn các địa chỉ có chi phí thấp ở vùng ngoại ô. Hiện giờ, chúng tôi đã tập trung khai thác các công trình của Nhà nước đang bỏ không, hoặc chưa tận dụng hết công suất cho các không gian sáng tạo để không lãng phí tài nguyên. Quy hoạch thành phố bằng việc đề cao thế mạnh của từng quận, như về ẩm thực, thời trang… để thu hút đông đảo người đến tham quan, làm việc.
 
Là thành viên sáng lập, người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho Hà Nội như Zone 9 (9 Trần Thánh Tông), X98 (98 Hoàng Cầu), Creative city (số 1 Lương Yên)… Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng: Ngay từ khi xây dựng trung tâm sáng tạo, đã chú trọng mời các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật đến và xác định họ chính là chủ nhân của trung tâm. Thực hiện các phiên đấu giá ý tưởng sáng tạo, thu hút sự quan tâm chú ý của những nhà sáng tạo trẻ, mà lực lượng sinh viên nằm trong đó. Đồng thời, cần phải có hoạt động quảng bá hình ảnh thành phố trên phương diện toàn cầu nhất là ở lĩnh vực văn hóa.
 
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: Những ý kiến chia sẻ tại Hội thảo không chỉ cho thấy bức tranh toàn cảnh về không khí sáng tạo trong khu vực, mà còn cung cấp cho Hà Nội những bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng, phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo của Thủ đô, với lực hấp dẫn từ sức khác biệt và sáng tạo, từ đó hoàn thành sớm các sáng kiến của thành phố khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t