Ngành Nội vụ triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 (15:14 30/12/2020)


HNP - Sáng 30/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết 5 năm 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 ngành Nội vụ”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Nội vụ


Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành Nội vụ luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng năm, từ đó cụ thể hóa bằng Chương trình công tác, xây dựng lộ trình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ngành Nội vụ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều nội dung, bước đầu đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị.
 
Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương được thực hiện quyết liệt, nổi bật là việc hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp thôn, tổ dân phố; việc phân định địa giới hành chính các địa phương do lịch sử để lại. Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được thực hiện đồng thời với sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thành công nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ này là toàn ngành đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hoàn thành vượt mục tiêu Bộ Chính trị giao về tinh giản biên chế. Theo đó, bộ máy tại các bộ, ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương; cục và tương đương tăng 7 tổ chức; Tổng cục và tương đương tăng 2 tổ chức (không tính Bộ Công và Bộ Quốc phòng). Ở địa phương, các cơ quan chuyên môn (sở ngành) giảm 5 tổ chức; giảm 973 phòng, 127 chi cục; phòng thuộc Chi cục giảm 1.179; tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12. Ở cấp huyện, giảm 294 cơ quan chuyên môn, trong đó, có 278 phòng Dân tộc.
 
Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành giảm 10 tổ chức; thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục tăng 6 tổ chức; thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ giảm 24 tổ chức. Ở địa phương, số đơn vị sự nghiệp công lập giảm 3.819 đơn vị (giảm 7,33%).
 
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 27.504 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Biên chế sự nghiệp năm 2021 là 1.783.174 người, giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay là 1.031.851 người, giảm 147.290 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015).
 
“Trong giai đoạn năm 2015 – 2020, cả nước đã tinh giản được 67.218 người gồm: 4.965 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 62.253 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Trong số này, có 54.899 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 12.172 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác”, Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
 
Năm 2021, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động của năm là “kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, theo đó, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo phân công của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ.
 
Điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Tại hội nghị trực tuyến, 7 địa phương, cơ quan, đơn vị đã tham luận về những kết quả đạt được trong công tác nội vụ, đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026 của Chính phủ, trong đó, ngành Nội vụ có nhiệm vụ quan trọng, thiết thực “Xây dựng nền hành chính trong sạch, bảo đảm công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới”, do đó, ngành Nội vụ cần quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch 5 năm 2021 - 2026, xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ, trong đó, lưu ý tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, trước mắt, ngành khẩn trương tham mưu Chính phủ tiến hành tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2010 - 2020 và đề xuất nhiệm vụ về cải cách hành chính cho giai đoạn tới, đồng thời, tập trung xây dựng đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; trong đó, cần rà soát điều chỉnh chức năng của các bộ, ngành, cơ quan bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và phối hợp có hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ… Khẳng định trong bối cảnh hội nhập hiện nay cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thúc đẩy môi trường đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý vai trò quan trọng của công tác phối hợp giữa các phòng, ban và các cơ quan, đơn vị, cùng đó là kỷ cương, chế tài. “Không thể để tình trạng lòng vòng kéo dài rồi không kiểm điểm, không xử lý, không kỷ luật ai, trên nói dưới không nghe”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đề nghị Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Dân chủ cơ sở; hoàn thiện dự án Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi) bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đặc biệt, trước mắt, toàn ngành cần chủ động, tích cực tham mưu Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t