Xử lý nghiêm vi phạm công trình thủy lợi (14:38 06/08/2019)


HNP - Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã vào cuộc ngăn chặn, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn ra. Hậu quả, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt, bão, vì vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải kiên quyết hơn nữa trong xử lý vi phạm.

Tồn tại hàng nghìn vi phạm

Theo báo cáo của các công ty thủy lợi, tổng số vi phạm công trình thủy lợi còn tồn tại trên địa bàn thành phố tính đến hết tháng 6/2019 là 9.488 vụ. Trong đó, địa bàn thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý tồn tại 4.882 vụ vi phạm; tiếp đến Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy 2.927 vụ, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội 940 vụ, Công ty TNHH MTV  Thủy lợi sông Tích 701 vụ và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh còn tồn tại 38 vụ vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình, trồng cây lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi…

Trong khi các vụ vi phạm tồn tại cũ chưa xử lý giải tỏa dứt điểm, trên địa bàn thành phố lại tiếp tục phát sinh vi phạm công trình thủy lợi. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố phát sinh 153 vụ vi phạm. Nếu so với cùng kỳ năm 2018, thì 6 tháng đầu năm 2019, số vụ vi phạm phát sinh tăng 76 vụ. Vi phạm xảy ra nhiều tại các huyện: Thường Tín, Thanh Oai và Sóc Sơn… Qua kiểm tra tại huyện Thường Tín và các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Sở NN&PTNT phát hiện một số hộ dân lấn chiếm đất, dựng hàng rào, trồng rau màu trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi sông Pheo, kênh tưới Liên Mạc; một số hộ dân khi xây dựng cải tạo nhà cửa đã đổ phế thải, vật liệu xuống sông Nhuệ; có dự án đơn vị thi công thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép…

Mặc dù số vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều, nhưng việc xử lý vi phạm chưa triệt để. Trong tổng số vi phạm đang tồn tại, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mới xử lý được 1.920 vụ vi phạm. Các vụ vi phạm phát sinh từ đầu năm đến nay, mới xử lý được 18 vụ, hiện còn tồn tại 135 vụ vi phạm, trong đó: Địa bàn do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý còn tồn tại 101 vụ vi phạm; tiếp đến Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội 13 vụ, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy 12 vụ, Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích 10 vụ và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh còn tồn tại 1 vụ vi phạm.

Nguyên nhân tồn tại nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý là do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt vào cuộc, chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Đối với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, mặc dù được giao quản lý công trình thủy lợi, tuy nhiên, khó khăn của đơn vị là không có chức năng xử phạt; nhiệm vụ chính của đơn vị là phát hiện, lập biên bản hiện trường rồi gửi hồ sơ đề nghị và đôn đốc cấp xã, cấp huyện xử lý. Mặt khác, trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi ở các địa phương còn hạn chế cũng là nguyên nhân phát sinh vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi…

Kiên quyết trong xử lý vi phạm

Nhằm ngăn chặn vi phạm mới phát sinh và xử lý vi phạm tồn tại từ những năm trước, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các công ty thủy lợi phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết trong xử lý vi phạm công trình thủy lợi; đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ công trình thủy lợi. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp cùng các sở: Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Thanh tra thành phố, các công ty thủy lợi và các địa phương… kiểm tra hiện trường đối với các vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi có quy mô vi phạm lớn, mức độ vi phạm nghiêm trọng báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý.

Từ thực tế cho thấy, để ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về thủy lợi, thời gian tới, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn trực thuộc đơn vị mình quản lý phối hợp với các công ty thủy lợi xây dựng kế hoạch cụ thể giải tỏa vi phạm, đặc biệt vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, trên các trục kênh tiêu chính ảnh hưởng khả năng tiêu thoát lũ và độ thông thoáng dòng chảy trong mùa mưa, bão năm 2019. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ thủy lợi; vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục thỏa thuận, xin cấp giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi.

Theo Sở NN&PTNT, đối với các quận, huyện, thị xã có phát sinh vi phạm trong năm 2019, cần kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi, các vụ việc vi phạm mới phát sinh; ngăn chặn vi phạm mới, tái vi phạm xảy ra trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc xử lý giải tỏa và để xảy ra tình trạng vi phạm tiếp diễn. Đồng thời, phân công cán bộ, công nhân viên phụ trách các tuyến sông, kênh, hồ, đập tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý; không để tình trạng đổ chất thải rắn, phế liệu xây dựng vào kênh mương, sông, hồ gây ách tắc dòng chảy; tổ chức chặt hạ cây, dọn dẹp cỏ rác, phế thải trong kênh; nạo vét các gầm cầu; chặt cây phát quang bờ mái kênh đảm bảo thông thoáng dòng chảy, trước mắt là phục vụ công tác phòng, chống lụt bão năm 2019. 


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t