Bảo tồn đa dạng sinh học ở Hà Nội: Cần sự chung tay của cả cộng đồng (04:53 05/05/2019)


HNP - Đa dạng sinh học không những có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội mà còn giúp thành phố bảo tồn cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, để duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, cần sự chung tay của cả cộng đồng…

Phong phú, đa dạng

Không chỉ được thừa hưởng nhiều nguồn gen quy hiếm của cả nước, Hà Nội đang sở hữu nhiều nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản của Thủ đô. Theo thống kê của các sở, ngành thành phố, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 hệ sinh thái, trong đó, có 3 hệ sinh thái quan trọng điều hòa môi trường của Thủ đô. Đó là hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm, lá nhiệt đới cây lá rộng xem cây lá kim ở độ cao từ 600m trở lên so với mặt nước biển. Hệ sinh thái này chỉ có ở Vườn quốc gia Ba Vì. Tiếp đến là hệ sinh thái núi đá vôi, chủ yếu ở khu vực Hương Tích, Quan Sơn thuộc huyện Mỹ Đức với diện tích khoảng 4.272,10ha. Ở đây, ngoài rừng núi, thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch, hiện còn lưu giữ một số loài thực vật quý hiếm, như: Nghiến, lan một lá, rau sắng… Hà Nội có khoảng 220 hồ chứa nước, trong đó, có nhiều hồ nổi tiếng, như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Xuân Khanh… điều hòa dưỡng khí cho Thủ đô và rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái…

Để bảo tồn đa dạng sinh học, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Là cánh tay nối dài trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài. Đơn cử, thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 24/9/2014, năm qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai chương trình diện trừ cây mai dương tại huyện Phúc Thọ và Chương trình xây dựng Atlat các loài sinh vật ngoại lai trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, trong 10 năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 716 vụ với 100 loài, trong đó, có 10.244 cá thể động vật hoang dã và gần 1,226kg rắn các loại từ các cơ quan chức năng trên cả nước bắt giữ, tịch thu trong quá trình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Trung tâm đã tổ chức nhân nuôi sinh sản thành công 76 cá thể động vật hoang dã các loại, tổ chức tái thả về tự nhiên sau cứu hộ 2.512 cá thể và 110,5kg rắn các loại tại các vườn quốc gia. Ngoài ra, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với các động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như hổ, gấu, chim công,…

Ngoài làm tốt công tác trồng cây, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, các sở, ngành thành phố cũng đã tích cực bảo tồn nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, quý hiếm, như: Bưởi Diễn, quýt đường Canh, mơ Hương Tích, hồng xiêm Xuân Đỉnh, húng Láng, rau muống Linh Chiểu, cải bẹ Đông Dư,... lưu giữ gen và phát triển nhiều giống vật nuôi, như: Gà Mía, vịt cỏ Vân Đình,... Đặc biệt, cá thể rùa giải Sin-hoe là loại cực kỳ nguy cấp, quý hiếm đã được Hà Nội triển khai bảo tồn nghiêm ngặt.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Tuy nhiên, cũng giống nhiều địa phương trên cả nước, vì nhiều lý do, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học. Nguyên nhân là do áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở,... đã làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Các loại tài nguyên thiên nhiên mà đặc biệt là tài nguyên sinh vật đang bị khai thác quá mức. Sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp lên đa dạng sinh học. Đáng nói, tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, trong 10 năm qua, cơ quan chức năng thành phố đã xử lý 1.117 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Qua đó, tịch thu hơn 1.028m3 gỗ quy tròn các loại, hơn 3.756kg động vật hoang dã và 6.118 cá thể động vật hoang dã; thu nộp ngân sách nhà nước gần 20,7 tỷ đồng,…

Để có thể bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường của Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố quyết liệt chỉ đạo tập trung phục hồi, bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái trên địa bàn. Giảm thiểu, chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và các đe dọa, tác động tiêu cực khác đến đa dạng sinh học. Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên các khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển các cơ sở bảo tồn nhằm nâng cao tính đa dạng sinh học của TP Hà Nội,…

Từ thực tiễn và trong công tác công tác quản lý nhà nước, tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất cần bố trí đủ nhân lực, vật lực cho nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả cộng động về bảo tồn đa dạng sinh học. Trên thực tế, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã tốt nhiệm vụ này, tuy nhiên chỉ còn một số người dân chưa nhận thức đầy đủ còn có tư tưởng sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng; coi đây như là phương thuốc quý để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh và thể hiện sự “giàu có”, “đẳng cấp” của bản thân và gia đình đã vi phạm buôn bán động vật hoang dã. Những hành vi vi phạm này cần được cộng động lên án, tẩy chay và bị xử lý nghiêm trước pháp luật.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t