Hà Nội và tết Trung thu truyền thống (22:57 03/10/2017)


HNP - Tết Trung thu năm 2017, nhiều địa điểm trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức những sự kiện vui Trung thu dành cho các em, với những đồ chơi, trò chơi dân gian hấp dẫn. Đặc biệt phải kể đến các hoạt động trải nghiệm đã giúp các em hiểu và gắn bó hơn với văn hóa truyền thống. 

Các em thiếu nhi say sưa làm đồ chơi Trung thu truyền thống


Những năm gần đây, người dân Thủ đô bắt đầu chú ý hơn đến việc hướng trẻ em về những đồ chơi, trò chơi truyền thống giàu tính nhân văn. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều cơ quan, đơn vị của Thành phố đã tổ chức các hoạt động Trung thu hướng về nguồn cội cho giới trẻ. Cũng như mọi năm, năm nay, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức một chuỗi hoạt động tại các điểm di tích: đình Đồng Lạc (số 38 phố Hàng Đào), đền Quan Đế (số 28 phố Hàng Buồm), đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc), nơi các nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống. Trong khi đó, Ngôi nhà di sản số 87 - phố Mã Mây, được Ban Tổ chức biến thành không gian Tết Trung thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa và trưng bày các bức ảnh về Tết Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ XX. 
 
Đặc biệt, Ban Quản lý Phố cổ còn phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách và các nghệ nhân dân gian dựng trưng bày, giới thiệu một cách hệ thống về đồ chơi con giống nặn bột tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ). Trưng bày đã giới thiệu hai dòng sản phẩm chính: Con giống bằng bột hoành tinh pha bột nếp rồi quang dầu (trong chủng loại này lại có phong cách của Việt Nam và phong cách chịu ảnh hưởng của người Hoa sống ở Hà Nội những năm trước); con giống bằng bột tẻ pha bột nếp có thể ăn được (tò he). Ban tổ chức đem đến nhiều bất ngờ về con giống nặn bột, trong đó, có cả những con tò he dùng khung tre, tò he phục dựng theo mẫu cổ theo tài liệu của người Pháp cũng giới thiệu một số loại con giống nặn bột của các tỉnh, thành khác trong cả nước. Qua phần trưng bày, giới thiệu này, công chúng hiểu thêm về sự phát triển qua những giai đoạn khác nhau của con giống nặn bột…
 
Khu trưng bày trò chơi dân gian tại Hoàng Thành Thăng Long
 
Cùng với các hoạt động phong phú tại Khu phố cổ, khoảng 3 năm trở lại đây, Hoàng Thành Thăng Long cũng là địa điểm không thể không nhắc đến mỗi dịp Trung Thu. Và dịp cuối tuần qua, không gian quảng trường Đoan Môn trở thành một ngày hội lớn với cả người lớn lẫn trẻ em. Nét nổi bật của chương trình Vui Tết Trung thu năm nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã cùng các nghệ nhân kỳ công khôi phục lại rất nhiều món đồ chơi Trung thu theo những mẫu cổ xưa. Việc phục chế đồ chơi xưa dựa trên tài liệu là tranh khắc của Henri Oger trong cuốn sách nổi tiếng "Kỹ nghệ người An Nam" và những tấm ảnh của Bảo tàng Albert Kahn (Cộng hòa Pháp) cách đây khoảng 100 năm. Những người cao niên tìm lại hình ảnh thời thơ ấu của mình qua những chiếc đèn con thỏ, đèn ông sao... làm bằng chất liệu giấy dó, giấy bồi mà nay rất hiếm gặp. Đặc biệt, có một số mẫu đèn hình cá chép, đèn hình con tôm những năm gần đây hầu như không còn xuất hiện. Ngoài ra, còn có các mẫu đồ chơi truyền thống như: đầu lân, tàu thủy sắt tây, tò he, ông tiến sĩ giấy... Để khôi phục những mẫu đồ chơi cổ này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã mời các nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (huyện Hoài Đức), nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia làm tàu thủy sắt tây, nghệ nhân Vũ Văn Sinh - người làm đèn kéo quân nổi tiếng ở Thanh Oai... Ban Tổ chức cũng tái hiện một đoạn phố cổ, với những gian hàng đồ chơi Trung thu tương tự như cách đây hàng trăm năm.
 
Trái ngược với không gian yên tĩnh của khu vực trưng bày đồ chơi cổ truyền, khu diễn ra hoạt động biểu diễn, trải nghiệm trò chơi dân gian hết sức sôi nổi. Các em thiếu nhi thỏa sức tìm hiểu, tập làm các đồ chơi dân gian như: đèn ông sao, đèn con thỏ, nặn tò he, làm mặt nạ giấy bồi... Đặc biệt, Quảng trường Đoan Môn được dựng lên một sân khấu rối nước khá lớn. Hầu hết các em thiếu nhi chỉ nghe nói đến rối nước chứ chưa từng được tận mắt chứng kiến. Bởi thế, khi các tiết mục diễn ra, đã thu hút đông đảo các em thiếu nhi đến vui chơi tại Hoàng Thành Thăng Long…
 
Các hoạt động vui Tết Trung thu trên địa bàn Thành phố được tổ chức từ dịp nghỉ cuối tuần qua cho đến hết 4/10 (tức Rằm Trung thu). Các hoạt động này đều nhấn mạnh yếu tố truyền thống, đồng thời, kết hợp với các chương trình biểu diễn văn nghệ, trò vui... khiến cho văn hóa truyền thống không khô cứng mà trở nên sinh động hơn. Qua đó, giúp các em nhỏ thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc. 

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t