Công tác quản lý đất đai:


Bài 2: Giải pháp khắc phục tồn tại (15:10 07/08/2018)


HNP - Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố đã được HĐND TP chỉ rõ, qua đó cũng xác định rõ nguyên nhân, đánh giá kỹ những tồn tại, vi phạm để có phương hướng, giải pháp khắc phục.

Tồn tại do nhiều nguyên nhân

Quy định pháp luật về quản lý đất đai, thời gian qua, có nhiều thay đổi, có sự xung đột pháp luật hoặc các văn bản dưới luật còn một số nội dung quy định chưa đầy đủ, rõ ràng trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, nhà ở, quy hoạch đô thị... chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện quản lý đất đai, nhất là đối với các trường hợp phải xử lý chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, Thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, hằng năm triển khai đồng loạt nhiều dự án nói chung, dự án vốn ngoài ngân sách nói riêng nên việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư các dự án rất lớn trong khi đội ngũ cán bộ chuyên môn, trực tiếp là lực lượng thanh tra đang thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ.

Một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch phân khu; Nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác nên phải làm thủ tục điều chỉnh dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như trên, HĐND TP còn cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do công tác chỉ đạo của UBND Thành phố có thời điểm chưa quyết liệt. Mặc dù đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cụ thể của một số dự án, song việc rà soát tổng thể còn chậm, chưa giao ban định kỳ đối với các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn Thành phố để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc chung; Chậm kiểm tra trách nhiệm đơn vị đầu mối tổng hợp khắc phục tình trạng thống kê số liệu các dự án chậm triển khai trên địa bàn không thống nhất, mỗi đơn vị báo cáo khác nhau; Chưa quyết liệt kiểm tra các sở, ngành, quận huyện thực hiện kiến nghị giám sát, kết luận chất vấn của HĐND Thành phố năm 2012, 2014, 2015; Chậm ban hành quyết định thay thế quyết định số 09/2012/QĐ-UBND về quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, việc chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư theo quy định của một số nhà đầu tư chưa tốt; cố ý sử dụng đất sai mục đích để thu lời bất chính hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ; nhiều trường hợp chủ đầu tư lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để tối đa hóa lợi nhuận và kéo dài thời gian để chuyển nhượng dự án; năng lực thực hiện dự án còn hạn chế, năng lực tài chính không đạt yêu cầu, không thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ tài chính với nhà nước; cố tình né tránh, không hợp tác, không phối hợp với các cơ quan nhà nước theo yêu cầu đoàn kiểm tra, thanh tra; một số dự án chính quyền địa phương không liên hệ được với nhà đầu tư…

Giải pháp khắc phục

Trước những tồn tại đã được xác định rõ, Thường trực HĐND TP cho rằng, Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động thanh tra, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; quy định về cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, xây dựng hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, thống nhất hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra từ khi thanh tra, đến khi thực hiện xong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổng họp, nghiên cứu và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số bất cập, vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn theo thẩm quyền đối với những kiến nghị cụ thể đã được UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, nhất là những quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra; hướng dẫn triển khai tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh vi phạm pháp luật đất đai của tổ chức công dân theo quy định tại điều 199 luật Đất đai năm 2013.

Đối với UBND Thành phố, cần chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn. Định kỳ giao ban, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Xem xét, trình HĐND Thành phố điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô; hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin đất đai trong cả nước, đảm bảo quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân với hệ thống thông tin đất đai. Thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc hủy bỏ chủ tmơng đầu tư đối với các dự án đã hết thời hạn mà không đủ điều kiện được xem xét gia hạn, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương biết để phối hợp thực hiện. Chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì rà soát các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa hoặc chậm thực hiện, vi phạm Luật Đất đai để xem xét xử lý theo quy định, đối với những dự án thấy rõ không còn khả năng thực hiện, đã được gia hạn vẫn chậm hoàn thành, nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính dù đã được gia hạn theo quy định thì kiên quyết thu hồi để giao nhà đầu tư khác, hoặc giao cho chính quyền địa phương đầu tư phù hợp quy hoạch, sớm đưa đất vào sử dụng. Chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc kiên quyết không đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án chậm triển khai, chưa thực hiện, vi phạm Luật đất đai.

Chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục đăng công khai (định kỳ 6 tháng/lần) trên Cổng giao tiếp điện tử Thành phổ, các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố về danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định của luật đất đai năm 2013; các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã hết hiệu lực; các tổ chức bị thu hồi đất do vi phạm; các tổ chức nợ nghĩa vụ tài chính... để nhân dân biết, giám sát, nhất là các trường hợp không thể liên hệ với chủ đầu tư, làm căn cứ để thu hồi đất theo quy định.

Với những giải pháp trên đây, mong rằng trong thời gian tới, công tác quản lý đất đai sẽ đi vào nền nếp, lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng, không để những vi phạm kéo dài gây bức xúc trong nhân dân và cử tri Thủ đô.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t