Long Biên: Phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa (08:56 06/01/2017)


HNP - Long Biên là quận trung tâm, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trên địa bàn quận có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn tốt và ngày càng phát triển. Để góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị đó, trong những năm qua, quận đã làm tốt công tác tuyên truyền và phát huy vai trò của cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Quận Long Biên hiện có 84 di tích, gồm: 34 chùa, 36 đình, 14 đền miếu…trong đó, có 55 di tích đã được xếp hạng, chiếm tỷ lệ 65%, gồm: có 34 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 21 di tích xếp hạng cấp Thành phố, còn lại 29 di tích chưa xếp hạng. Bên cạnh 84 di tích còn có 17 điểm di tích cách mạng kháng chiến: 16 điểm đã tổ chức gắn biển, 01 điểm đã có quyết định của UBND TP. Mỗi di tích là một thiết chế văn hóa cộng đồng, là tài sản vô giá thể hiện ở các công trình kiến trúc, đồ thờ tự và các nghi thức truyền thống mà đỉnh cao là lễ hội. Từ khi thành lập quận, nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ đã khẳng định đúng chủ trương, đường lối trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quận Long Biên đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý, đầu tư và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn quận” và triển khai kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về di tích lễ hội, gắn với việc đầu tư tu bổ và phát huy giá trị của hệ thống di tích. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và cho học sinh tham quan tìm hiểu các cụm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận đến tất cả các trường Trung học, THCS trên địa bàn. 

Việc tuyên truyền, vận động và vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử quận, phường và bản tin nội bộ của Quận ủy, mỗi năm từ 40-50 bài về giá trị di tích, lịch sử văn hóa, danh nhân văn hóa, lễ hội truyền thống, giá trị của cổ vật tiêu biểu như: tượng đồng Trấn Vũ đền Cự Linh, phường Thạch Bàn, giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như kéo co ngồi, múa hát Ải Lao, Nghi thức múa Lột Rắn…Quận còn tổ chức tuyên truyền trực quan tại di tích, thường xuyên hướng dẫn các phường tổ chức tuyên truyền bằng pano, băng zôn tại di tích gắn với việc tổ chức lễ hội và các hoạt động liên quan đến di tích để mọi người dân tuyên truyền quảng bá giá trị của di tích.

Để góp phần quảng bá các di tích, quận đã phối hợp với các công ty du lịch xây dựng tour du lịch tâm linh gắn với làng nghề và tham quan trung tâm thương mại trên địa bàn quận như khảo sát xây dựng một số tour du lịch như cụm di tích Lệ Mật, làng nghề Lệ Mật, phường Việt Hưng; đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên; tour du lịch dọc sông Hồng kết nối một số di tích và làng nghề Bát Tràng huyện Gia Lâm.

Ngoài ra, quận cũng tổ chức giám định 84 di tích trên địa bàn quận với trên 5.000 cổ vật, hiện vật và đồ thờ tự tại di tích, xây dựng hồ sơ phi vật thể đối với 4 nghi thức tiêu biểu như lễ hội Lệ Mật, kéo co ngồi trong lễ hội đền Trấn Vũ, múa hát Ải Lao, nghi thức múa lột Rắn trong lễ hội đình Trường Lâm, lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tượng đồng Trấn Vũ tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn. Hàng năm, đề xuất xếp hạng từ 2 đến 3 di tích góp phần bảo vệ phát huy giá trị của di tích, tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân trong việc ủng hộ tu bổ di tích như chùa Gia Thượng, đền Núi, đền Mẫu, đền Rừng, phường Ngọc Thụy; chùa Mai Phúc phường Phúc Đồng và một số di tích tại phường Cự Khối.

Có thể nói, công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, huy động mọi nguồn lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Đến hết năm 2016, trên địa bàn quận, hệ thống di tích đình, đền, nghè đã được đầu tư cơ bản đảm bảo theo quy định và truyền thống. Quận tiếp tục đề xuất tu bổ 5 di tích chùa xếp hạng cấp Quốc gia, kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên 20 di tích góp phần kịp thời bảo tồn, chống xuống cấp hệ thống các di tích.

Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền về giá trị của di tích, gắn với việc bảo quản, quảng bá phát huy giá trị của di tích trên cổng thông tin điện tử của quận, phường, bản tin nội bộ, đài truyền thanh phường. Hướng dẫn các phường và tiểu ban quản lý di tích đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền quảng bá giá trị di tích như tờ gấp, phiếu công đức, các ấn phẩm báo chí, phim tư liệu…đến mọi tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Quận cũng sẽ tiếp tục tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu các giá trị di tích và danh nhân văn hóa tại các cụm di tích trọng điểm trên địa bàn quận.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t