Các siêu thị, TTTM dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu Nhân dân (10:56 25/08/2020)


HNP - Ngay sau khi Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 2, Thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thực hiện công tác dự trữ hàng hóa, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Về phía các doanh nghiệp cũng đã lên phương án chủ động phòng chống, dịch và tăng cường hàng hóa thiết yếu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại AEON Hà Đông


Các siêu thị, TTTM khẳng định dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu Nhân dân
 
Chia sẻ về công tác dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc vùng khu vực Hà Nội hệ thống siêu thị VinMart Nguyễn Thị Hiền cho biết: Tại Hà Nội, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce có 52 siêu thị, 828 cửa hàng tiện ích, cùng 2 kho dự trữ hàng hóa với 1,4 triệu sản phẩm/ngày. Với kinh nghiệm đã triển khai chống dịch tại Đà Nẵng, tại khu vực phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, doanh nghiệp cũng đã xây dựng các kế hoạch chuẩn bị hàng hóa dự trữ sản phẩm thiết yếu tăng 5-10 lần so với bình thường. Các mặt hàng dự trữ gồm: Nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống người dân và các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác vệ sinh, phòng chống dịch và các loại khẩu trang y tế, nước sát khuẩn… Lượng dữ trữ lần này thấp hơn so với đợt dịch Covid-19 lần 1 (lần 1 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tăng 30 lần) do người dân đã có kinh nghiệm chống dịch nên không đi mua sắm ồ ạt, tích trữ hàng hóa như đợt dịch lần 1. Cùng với đó, công ty cũng làm việc để dự trữ hàng hóa tại các nhà cung cấp và kết nối hàng hóa với các tỉnh, thành để luôn đảm bảo nguồn hàng.
 
Khách hàng và nhân viên siêu thị luôn thực hiện đeo khẩu trang phòng chống dịch
 
Đặc biệt, hàng hóa lưu trữ trong kho có thể đáp ứng từ 5-10 ngày để đảm bảo trong trường hợp hàng hóa nhà cung cấp chưa kịp giao trong thời gian này thì phía doanh nghiệp vẫn có đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng làm việc với các nhà cung cấp và thực hiện cam kết với các nhà cung cấp đảm bảo nguồn hàng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Công ty cũng đã lên phương án chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hệ thống kho, các điểm bán… nhằm đảm bảo công tác bán hàng được thông suốt trong tất cả các trường hợp. 
 
Theo bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, Giám đốc siêu thị Công ty TNHH AEON Việt Nam - Chi nhánh Hà Đông cho biết: Đến thời điểm này, hàng hóa tại hệ thống siêu dự trữ tăng từ 1,5 - 2 lần so với lượng hàng hóa thông thường tùy theo nhóm mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ như mặt hàng gạo hay mỳ thì có thể tăng lên nhiều hơn, nhưng mặt hàng trứng hay thịt phía siêu thị đã ước tính với nhà cung cấp để họ có thể chuẩn bị hàng trong trường hợp nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt lên. Như với mặt hàng rau, ngoài Đà Lạt, AEON lấy rau của HTX Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), Thường Tín (Hà Nội), Mộc Châu (Sơn La)… Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào thì sẽ chủ động nguồn cung hàng hóa. Bà Chi cũng cho rằng để việc chuẩn bị hàng hóa được tốt cần có sự hỗ trợ của Sở Công thương, trong trường hợp thực hiện các lệnh giãn cách xã hội hay đóng cửa cho phép các xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh thành không bị cấm được phép đi vào giao hàng cho các hệ thống bán lẻ để họ có đủ nguồn hàng cung cấp.
 
Hàng hóa thiết yếu được các siêu thị dự trữ để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng
 
Sở hữu chuỗi bán lẻ lớn tại Hà Nội, Tổng giám đốc Bán lẻ Hệ thống bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, Công ty đã tiến hành giai đoạn 1 và chuẩn bị giai đoạn 2, việc chuẩn bị hàng hóa 47 điểm bán trên toàn hệ thống, gạo gấp 3 lần 265 tấn. Thực hiện khá quyết liệt và tuân thủ quy tắc mà sở Công thương đưa ra. Ngoài ra, còn phát triển hệ thống bán lưu động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Đối với thịt lợn, BRG đã chỉ đạo khai thác nguồn thịt lợn chất lượng cao từ nước ngoài. Cuối tháng 7 vừa qua, đã có container (40 pit, 23 tấn) đầu tiên nhập khẩu về Việt Nam, với chất lượng tốt, màu sắc, mùi vị ngon, tuy nhiên, giá lại thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10-20%. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục kế hoạch nhập khẩu phục vụ người dân từ nay đến cuối năm và sẽ định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP trong thời gian tới.
 
Xây dựng phương án cụ thể, chi tiết trong việc dự trữ hàng hóa
 
Chia sẻ về việc dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nôi Trần Thị Phương Lan cho biết: Hiện 63 tỉnh, thành phố không có nguồn lực nào hỗ trợ doanh nghiệp… nhưng Sở đã kiến nghị ngân hàng nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi hơn và vay với chính sách tín chấp. Hiện, có 5 ngân hàng đã tham gia chương trình bình ổn này. Chúng tôi sẽ kết hợp với các ngân hàng để có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp.
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đề nghị các doanh nghiệp chung tay cùng Thành phố phòng chống dịch Covid-19 bằng việc bố trí lượng hàng tại các địa điểm bán hàng cũng như bố trí lượng hàng trong kho trực tiếp của đơn vị và kho của các nhà phân phối, để các mặt hàng thiết yếu phải đảm bảo tăng gấp 3 lần trong 3 tháng bình thường. Đồng thời, chủ động xây dựng một phương án để điều phối hàng hóa trong toàn hệ thống. Chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để đảm bảo đủ nguồn hàng với 17 mặt hàng thiết yếu này và phải tính toán đến phương án trong trường hợp rất nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng nhập hàng mà lại phát hiện ra những ổ dịch lớn, bị cách ly, phong tỏa. Mặt khác, tất cả hàng hóa phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giữ được giá bình ổn trong suốt thời gian công tác phòng chống dịch cũng như trong Chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2021.
 
Kiểm tra việc dự trữ hàng hóa tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố
 
Về việc cấp giấy phép cho xe chở hàng của các doanh nghiệp được đi vào các tuyến đường cấm, giờ cấm để giao hàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, đây là việc cấp thiết bởi khi tình huống dịch xảy ra sẽ cần huy động hàng hóa nhanh chóng để phục vụ nhân dân. Do đó, đồng chí đề nghị khi doanh nghiệp có khó khăn cần báo ngay về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo Thành phố xem xét, giải quyết ngay.
 
Hiện nay, do tác động của dịch Covid-19 nên Hà Nội không tổ chức được các chương trình hội chợ, tuần hàng… Trong khi đó, các thông báo kết luận của TP đều ghi rõ ngành Công thương phải đảm bảo đủ hàng hóa và tăng cường kết nối cung cầu, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Do đó, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng mong muốn mỗi một điểm bán hàng của doanh nghiệp thương mại bố trí một điểm hỗ trợ cho các tỉnh đưa hàng hóa, nông sản vào bán tại trong hệ thống. Việc này vừa giúp quảng bá sản phẩm, vừa giúp các tỉnh tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp cho TP cân đối cung cầu và giúp cho doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng đến để mua các đặc sản của địa phương theo các mùa vụ.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t