Tìm giải pháp trong công tác phân luồng học sinh (13:35 29/05/2019)


HNP - Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn thành phố đang là vấn đề được thành phố quan tâm và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả. Song, vẫn còn nhiều khó khăn cần được khắc phục để công tác này đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Học sinh thực hành tay nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội


Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn Hà Nội được phân chia theo 4 luồng khác nhau. Cụ thể, học sinh tiếp tục thi và học tại các trường THPT; học sinh không thi đỗ các trường THPT tham gia học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên để lấy bằng bổ túc THPT; học sinh được xét tuyển vào các trường đào tạo nghề; học sinh tham gia lực lượng lao động sản xuất mà chưa qua đào tạo. 
 
Thực tế hiện nay, với tỷ lệ lớn học sinh tốt nghiệp THCS thi vào các trường THPT đã gây sức ép và tình trạng quá tải cho các trường này. Số lượng tham gia thị trường lao động cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những học sinh này do tham gia thị trường lao động quá sớm, lại chưa qua đào tạo bài bản nên chất lượng lao động và thu nhập thấp. Nếu số học sinh này theo học tại các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các em sẽ có cơ hội để có 2 bằng tốt nghiệp là bổ túc THPT và trường nghề.
 
Xuất phát từ thực tế đó, công tác định hướng, phân luồng cho học sinh tốt nghiệp THCS được đẩy mạnh. Chỉ thị 10-CT7TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị đã đặc biệt coi trọng và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 30%. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là yếu tố tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh nên tỷ lệ này vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.
 
Số liệu thống kê của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy, số học sinh tốt nghiệp THCS theo học còn thấp. Tỷ lệ này mới dừng ở mức từ 5,8 - 7,2% trong tổng số học sinh được xét tuyển vào các trường nghề giai đoạn từ 2011- 2015; năm học 2018-2019, con số này tăng lên 11,8%.
 
Trên địa bàn Hà Nội, để đạt mục tiêu đề ra, các trường THCS đã đẩy mạnh công tác đinh hướng, phân luồng một cách hợp lý. Từ hiệu quả của công tác này, các bậc phụ huynh và các em học sinh đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng và những lợi ích thiết thực khi theo học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Về phía các cơ sở đào tạo nghề đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh và công tác đào tạo phù hợp với các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS.
 
Tuy nhiên, công tác phân luồng vẫn còn nhiều khó khăn do việc tuyên truyền chưa sâu rộng, mới chỉ dừng lại ở các nhà trường và thông qua việc phổ biến các nội dung cơ bản hoặc tư vấn cho học sinh theo các chương trình định sẵn. Chưa có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan quản lý, nhất là cấp chính quyền địa phương và cơ sở trường học, chưa có cán bộ theo dõi về nội dung này. Hơn nữa, đầu tư về mọi mặt như trang thiết bị cho hệ thống cơ sở đào tạo nghề chưa đảm bảo yêu cầu và chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, các địa phương còn thiếu cơ chế chính sách việc làm sau khi có nghề nhằm khích lệ, thu hút học sinh theo học. Về phía học sinh và gia đình, vẫn còn nhận thức chưa đúng về phân luồng học sinh sau THCS…
 
Để công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả, ngành Giáo dục và Đào tạo cho rằng các cơ quan quản lý Trung ương cần có cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng với công tác phân luồng. Đưa vào thực hiện chính sách sử dụng, tuyển dụng nhân sự tương xứng trình độ chuyên môn với công việc, hạn chế việc sử dụng nhân sự có trình độ cao hơn so với yêu cầu công việc, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Đồng thời không gây mẫu thuẫn giữa phân luồng và cơ hội cho các đối tượng được phân luồng. 
 
Riêng với cấp Thành phố, cũng cần ban hành, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn. Có cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo nghề của Thành phố sau khi học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên.
 
Có thể nói, nếu các giải pháp được thực hiện đồng bộ con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Khi đó năng lực của người học sẽ được phát huy một cách tốt nhất trong khả năng, điều kiện và hoàn cảnh có được; gia đình, xã hội sẽ giảm bớt thời gian và chi phí cho công tác đào tạo; còn bản thân các như trường đào tạo nghề sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t