Hà Nội: Hàng loạt biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường (15:58 26/02/2018)


HNP - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ban hành ngày 31/5/2017 của Thành ủy về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo", đến nay công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, khai thác khoáng sản, cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện trọng điểm vận hành trước năm 2020 gồm: Nhà máy điện rác tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Nhà máy Xử lý rác thải Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì công suất 2.000 - 2.500 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Nhà máy Xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng Khu xử lý chất thải Xuân Sơn công suất 1.500 tấn/ngày đêm; nâng công suất Nhà máy Xử lý rác thải Phương Đình lên 600 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải rắn Việt Hùng, huyện Đông Anh công suất 500 tấn/ngày đêm.

UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với sở, ngành liên quan tăng cường kiểm soát công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và y tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm. Đồng thời, thực hiện tốt việc vận hành các bãi chôn lấp phế thải xây dựng hiện có; yêu cầu UBND quận, huyện lựa chọn địa điểm xây dựng trạm xử lý chất thải rắn xây dựng, các đơn vị đầu tư công nghệ nghiền chất thải rắn xây dựng để tái chế, tái sử dụng. Bố trí khoảng 2,5ha tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai làm trạm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền; nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng bãi trung chuyển và áp dụng công nghệ tái chế, nghiền chất thải rắn xây dựng diện tích 4,9ha tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín.

Liên quan đến giải quyết ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Đôn đốc tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện việc lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt; trên cơ sở đó thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường đã được xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản và tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường... được cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t