Giải "bài toán" môi trường làng nghề (21:58 11/07/2017)


HNP - Các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang được duy trì, phát triển tốt và đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người dân. Tuy vậy, việc mở rộng quy mô làng nghề trong điều kiện cơ sở vật chất, trình độ tay nghề, công nghệ, khoa học kỹ thuật còn hạn chế; mặt khác ý thức lao động chưa được nâng cao đã dẫn đến hệ lụy tất yếu là môi trường của hầu hết các làng nghề đang bị ô nhiễm.

Làng nghề Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa vẫn chưa khắc phục dứt điểm ô nhiễm môi trường


Xử lý triệt để ô nhiễm

Vai trò, vị thế và năng lực sản xuất, kinh doanh của làng nghề, chủ yếu là làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm thủ công đang được phát huy mạnh mẽ. Hàng nghìn sản phẩm do các làng nghề sản xuất đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Không chỉ có vậy, làng nghề còn đóng góp không nhỏ, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, tại huyện Phú Xuyên là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: Giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ khí Đại Thắng... Các làng nghề của huyện đẫ giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 158 làng nghề thì 98 làng có nghề, trong đó, 39 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống theo tiêu chí cấp thành phố.

Bên cạnh những thành tích đạt được, việc mở rộng quy mô làng nghề trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế đã dẫn đến hệ lụy tất yếu là môi trường của hầu hết các làng nghề đang bị ô nhiễm. Tại làng nghề sản xuất gốm sứ Bát Tràng, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, khí CO2 diễn ra khá phổ biến. Đường làng ngõ xóm ở đây bao phủ lớp đất nung, bụi gốm sứ. Còn tại huyện Thanh Trì, sự nhếch nhác và tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế nhựa, thu gom phế thải, lông vũ... của làng Triều Khúc và Yên Xá, xã Tân Triều đáng báo động. Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất đều xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh làng Triều Khúc bị ô nhiễm nặng.

Tương tự, một số làng nghề chế biến nông sản ở các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai... chất thải đã làm tắc nghẽn ao, hồ, kênh, mương, cống rãnh và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thống kê của cơ quan chức năng, 156.000m3 là tổng lượng nước thải từ hơn 1.300 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội xả ra môi trường mỗi ngày. Hầu hết lượng nước thải này không qua bất cứ hệ thống xử lý tập trung nào và có hàm lượng chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần...

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Để giải quyết tình trạng nêu trên, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm. Chẳng hạn như huyện Phú Xuyên, ngoài xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường làng nghề, huyện đã ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các xã có làng nghề được công nhận. Trong đó, dự án xử lý nước thải thôn Xuân La, xã Phượng Dực được triển khai khảo sát thăm dò; dự án xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc tập trung tại xã Quang Lãng, Tri Thủy đang trong quá trình triển khai... Huyện cũng có kế hoạch xử lý dứt điểm một số cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm ở thôn Bái Đô, xã Tri Thủy và chế biến nông sản ở xã Hồng Minh...

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước tình trạng ô nhiễm các làng nghề, UBND TP Hà Nội kêu gọi hợp tác đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó, có xây dựng nhiều công trình xử lý nước thải. Chẳng hạn như Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức đã đi vào vận hành, với công suất 20.000m3/ngày đêm, góp phần xử lý nước thải của 3 xã có làng nghề trong lưu vực sông Nhuệ gồm: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Ngoài ra, thành phố đã phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, với công suất 1.000m3/ngày đêm; đang xem xét phê duyệt điều chỉnh công suất Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô từ 84.000m3/ngày đêm lên 98.000m3/ngày đêm, dự kiến quý III-2017 sẽ khởi công…

Từ thực trạng và yêu cầu đòi hỏi trong công tác bảo vệ môi trường, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Hà Nội cần khảo sát để tiếp tục đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt gia đình hoặc quy hoạch các khu đất, tạo mặt bằng phục vụ sản xuất. Về hạ tầng cơ sở có thể giao chính quyền địa phương và các hộ gia đình cùng góp vốn xây dựng. Đồng thời, gắn với các cơ sở đào tạo, dạy nghề ở địa phương để nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động theo phương châm học nghề, đào tạo nghề tại chỗ. Có kế hoạch lâu dài phát triển nguồn nguyên liệu sạch thân thiện với môi trường như trồng cây, chăn nuôi, khoáng sản để có các sản phẩm chất lượng cao, có vậy mới tạo dựng được thương hiệu bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong và ngoài nước. Thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện cho các làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động và có khả năng tự xử lý được các chất thải độc hại, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t