Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: Hướng đi đúng trong xây dựng nông thôn mới (14:07 10/01/2017)


HNP - Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động sâu sắc đến các mặt đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay. Xác định được tầm quan trọng, UBND TP Hà Nội đã dành hàng tỷ đồng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây được xem là hướng đi đúng, đã và đang giúp cho nhiều xã về đích trong xây dựng nông thôn mới.

700 trang trại thu nhập tiền tỷ

Theo Sở NN&PTNT, sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã hình thành 1.230 trang trại theo tiêu chí mới, trong đó, có 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và khoảng 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích 15.000ha. Trong số ngày có gần 700 trang trại đạt thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng/năm. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản đã chiếm tới 56,71% giá trị sản xuất, thành phố Hà Nội trở thành địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất toàn quốc. Đến nay, Hà Nội đã hình thành 15 xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa với số lượng 10.863 con, chiếm 68% tổng đàn bò sữa toàn thành phố; sản lượng sữa sản xuất đạt 72,6 tấn/ngày, chiếm 72,2% tổng sản lượng toàn thành phố. Ngoài ra, Hà Nội có 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm hiện có 26.759 con; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 227.330 con; 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với gần 5,9 triệu con. Nhờ phát triển chăn nuôi, nông dân ngoại thành thực sự đã làm chủ sản xuất và vươn lên làm giàu nhanh chóng. Điều đáng mừng hơn cả, tại nhiều địa phương đã hướng phát triển chăn nuôi theo vùng trọng điểm và trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm dần tình trạng ô nhiễm môi trường. Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, hệ thống quản lý chuyên ngành từ thành phố đến cơ sở cũng không ngừng được củng cố, đảm nhiệm trọng trách thúc đẩy ngành chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh. Không chỉ có vậy, nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi tạo nên các vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất.  

Ước tính năm 2016, sản lượng thịt bò toàn thành phố đạt gần 9.700 tấn, thịt lợn hơi gần 321.000 tấn, sản lượng thịt gia cầm hơi gần 66.000 tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 1,3 tỷ quả. Tuy nhiên, hiện nay, ngành Chăn nuôi thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thịt, còn lại thực phẩm phải nhập từ nhiều nơi về. Nguyên nhân, ngành chăn nuôi Hà Nội chưa cung cấp đủ nhu cầu cho thị trường ở đây do: Quy mô chăn nuôi trên địa bàn thành phố vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, vệ sinh thú y chưa tốt, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp... Trong khi đó, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, giá thực phẩm không ổn định... điều này đã phần nào ảnh hưởng đến chăn nuôi.

Hướng đến nền sản xuất bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để bảo đảm nhu cầu thực phẩm an toàn cho nhân dân Thủ đô, trước mắt, Hà Nội tiếp tục rà soát quy hoạch các vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung, đẩy mạnh đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư; tăng cường giám sát dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi để bảo đảm tốc độ sinh trưởng và chất lượng của đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung tại một số xã thuộc huyện như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tại các huyện Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh... Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, các ngành tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến công nghiệp, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.  

Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn ngoài khu dân cư phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung quy mô lớn, với công nghệ hiện đai, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, tiến tới xuất khẩu... Cùng với đó là nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi ổn định và mở rộng sản xuất nhằm cung cấp giống, thức ăn đủ, kịp thời và đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi; giám sát dịch bệnh; chỉ đạo các cơ sở nắm chắc yêu cầu vay vốn của các cơ sở chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất và người chăn nuôi có thể vay đủ vốn duy trì và nhanh chóng mở rộng sản xuất.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t