Giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường (13:44 16/08/2023)


HNP - Sáng 16/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà. 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị


Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ
 
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Năm học vừa qua, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Mạng lưới các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục được rà soát, bổ sung. Toàn Thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với 64.792 lớp với 65.264 phòng học; 2.177.000 học sinh; 122.968 giáo viên…
 
Với nhiều giải pháp thiết thực, trong đó, có việc quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu, kém, năm 2023, Hà Nội đã bứt phá về tỷ lệ tốt nghiệp THPT với 99,56% học sinh tốt nghiệp, xếp thứ 16 của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế với 08 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia…
 
Văn nghệ chào mừng tại Hội nghị
 
Cùng với đó, Thành phố cũng quan tâm xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Đến tháng 6/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 72,4%. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó, có 17 trường công lập và 06 trường ngoài công lập. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 07 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn Thành phố…
 
Năm học 2022-2023, toàn Ngành đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Sở Giáo dục và Đào tạo được Cụm thi đua số 7 Thành phố thống nhất đề xuất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố trình Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022. Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được bình chọn là 01 trong 10 sự kiện tiêu biểu Thủ đô năm 2022…
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018…
 
Giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh học sinh phải xếp hàng nộp hồ sơ trong kỳ tuyển sinh năm học tới
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, Hà Nội luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, đạt nhiều kết quả nổi bật và có đóng góp ngày càng hiệu quả trong kết quả của giáo dục cả nước. Năm học mới, ngành Giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa, ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; nhân rộng điển hình triển khai chương trình mới; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm triển khai văn hoá học đường. 
 
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu ngành Giáo dục Thành phố giải quyết dứt điểm, không được để hiện tượng phụ huynh học sinh phải xếp hàng nộp hồ sơ trong kỳ tuyển sinh năm học tới. 
 
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả năm học vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh, Thành phố luôn xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực cần quan tâm đầu tư. Điều này đã được cụ thể hoá bằng nhiều chương trình, kế hoạch… Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra, so với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm. như: còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định; còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương… 
 
Năm học 2023-2024, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đề nghị, ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND Thành phố về giá dịch vụ giáo dục; rà soát, tham mưu Thành phố trình HĐND Thành phố các cơ chế chính sách đặc thù… 
 
Đồng chí Vũ Thu Hà cũng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt, Thành phố đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu kế hoạch tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t