Thường Tín tham gia chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1972 - 1973) (09:28 13/12/2017)


HNP - Ngày 6/4/1972, Ních-Xơn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc nước ta. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại này, Thường Tín là một trong những địa bàn bị địch bắn phá ác liệt nhất.

Nhân dân huyện Thường Tín trong những ngày chiến tranh. Ảnh: Tư liệu


Chỉ tính riêng tháng 4 năm 1972, địch đã ném bom, bắn tên lửa xuống 36 địa điểm trong huyện, có 10 lần chúng đánh vào mục tiêu quân sự của ta, trong đó có 4 trận địa của dân quân tự vệ Thường Tín 3 lần chúng ném bom đê sông Hồng, 5 lần chúng đánh vào cơ sở kinh tế, công nghiệp, thương nghiệp và trại chăn nuôi, 4 điểm giao thông vận tải, 26 điểm dân sự. Số bom đạn địch đã dùng đánh phá Thường Tín trong tháng 4/1972. ước khoảng 570 quả bom phá, 11.520 quả bom xuyên, 8.600 quả bom bi và 17 quả tên lửa. Máy bay Mỹ ném bom đã làm chết 60 người và bị thương 74 người khác, phá hủy và làm hư hỏng nhiều nhà cửa, đồ dùng của nhân dân và hoa màu của các hợp tác xã. Đặc biệt, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972, địch đã dùng "pháo đài bay B52" ném bom rải thảm có tính chất hủy diệt vào các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, Tự Nhiên, nhiều lần bắn phá làng xóm ở Hồng Vân, Vân Tảo, Hồng Thái...

Do được chuẩn bị tốt về công tác phòng tránh và sẵn sàng chiến đấu nên huyện đã hạn chế được thiệt hại đến mức thấp nhất về người và của. Lực lượng dân quân tự vệ huyện đã phối hợp với bộ đội phòng không đánh trả quyết liệt lũ giặc trời. Ngày 16/9/1972, dân quân xã Vạn Điểm và tự vệ nhà máy đường đã bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Thường Tín. Đó là chiếc máy bay thứ 3.955 của đế quốc Mỹ bị bắn rơi ở miên Bắc. Thắng lợi này đã trả thù cho 52 công nhân của nhà máy bị giặc Mỹ giết hại và 100 công nhân khác bị thương. Trong hai lần bị giặc Mỹ đánh phá, nhà máy đường Vạn Điểm phải chịu thiệt hại 40% ngân sách tổng công trình. Nhiều đơn vị và cá nhân khác đã chiến đấu rất dũng cảm ở các trận địa và các xã như dân quân du kích Vạn Điểm, Hồng Vân, Vân Tảo, Ngọc Hồi, Ninh sở... Dân quân tự vệ huyện đã phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi 9 máy bay địch. Dân quân du kích xã Tả Thanh Oai phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi một chiếc máy bay phản lực Mỹ. Bốn máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên đất Thường Tín trong những ngày cuối năm 1972 (trận tập kích chiến lược của Ních-Xơn), ta đã thu được 7 chiếc dù và một số chiến lợi phẩm khác. Trong chiến công chung của cả nước chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, quân và dân Thường Tín đã góp phần cùng quân và dân thủ đô Hà Nội đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy vào những ngày cuối năm 1972.

Trong trận chiến đấu này ở Thường Tín đã có nhiều tập thể và cá nhân lập công xuất sắc. Đó là dân quân tự vệ xã Minh Cường đã chiến đấu bảo vệ cầu Đỗ Xá; dân quân tự vệ các xã Hồng Vân, Liên Phương, Hồng Phong đã chiến đấu anh dũng bảo vệ bến phà Hồng Vân, dân quân tự vệ các xã Tô Hiệu, Hồng Thái đã nhanh chóng giải phóng mặt đường số 1, khu ga chợ Tía, chợ Cầu sau khi địch đánh phá.

Cùng với việc chỉ đạo chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Huyện ủy và UBND, ngành, đoàn thể huyện tiếp tục thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thực hiện cuộc vận động thi đua "Bốn tốt" đối với các gia đình bộ đội và "10 bảo đảm” của xã, hợp tác xã, các cơ quan đoàn thể với gia đình bộ đội. Đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội gặp khó khăn ngoài phần việc giúp đỡ của hợp tác xã, úy ban hành chính huyện đã trợ cấp cho 951 hộ thương binh, liệt sĩ với số tiền là 15.142 đồng và bán 3.427kg gạo. Các trạm y tế xã và bệnh viện huyện đã khám và chữa bệnh cho 917 người là thương binh, bố mẹ, vợ con là liệt sĩ. Các hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp đã sắp xếp cho anh em thương bệnh binh mới về vào làm nghề thủ công, trồng cây và những việc thích hợp để đảm bảo đời sống cho thương bệnh binh.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục xây dựng củng cố lực lượng dân quân tự vệ là một nhiệm vụ thường xuyên của huyện về ba mặt: xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị tư tưởng và huấn luyện quân sự. Lực lượng dân quân tự vệ các xã đã chiếm tỷ lệ 12,1% dân số, tự vệ cơ quan xí nghiệp 50,2% so với cán bộ, công nhân viên. Huyện đội đã biên chế 1 đại đội tập trung ở cấp huyện, xã có một đơn vị cơ động và phân đội dự bị, 32 xã có đơn vị trực chiến, nhiều thôn có chòi quan sát và báo động phòng không. Nhiều trận địa được trang bị súng máy 14,5 ly, 12,7 ly và đại liên. Toàn huyện đã hình thành mạng lưới bắn máy bay ở tầm thấp.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, trận địa Tả Thanh Oai và Vạn Điểm được Quân khu 3 tặng Bằng khen về huấn luyện và bố phòng sẵn sàng chiến đấu. Tháng 5/1972, Thường Tín đã hoàn thành 3 đợt tuyển quân được 1.199 chiến sĩ mới nhập ngũ đạt 103% kế hoạch. Huyện còn cử 1 tiểu đoàn dân quân tự vệ tham gia chiến dịch Quảng Trị, chiến đấu 17 trận, bắn cháy 1 máy bay F.4 và 1 máy bay lên thẳng. Huyện còn hoàn thành chỉ tiêu tuyển thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến, huy động 632.649 công nghĩa vụ đạt 110,2% kế hoạch. Trong năm 1972 toàn huyện đã có 22 xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, trong đó có các xã làm tốt việc tuyển quân là Văn Bình, Nghiêm Xuyên, Thống Nhất; xã Văn Bình và Hồng Phong đã được Chính phủ thưởng Huân chương Kháng chiến về công tác chi viện cho tiền tuyến.

Có thể thấy rằng, trong những năm 1969 - 1973, lịch sử Thường Tín đã chứng kiến phong trào sản xuất và chiến đấu sôi động của Đảng bộ và nhân dân Thường Tín mà đỉnh cao là năm 1972. Nhân dân Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, trồng trọt, chăn nuôi, củng cố hợp tác xã, cải tiến tổ chức, quản lý sản xuất, duy trì và phát triển các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng. Mặt khác, Thường Tín đã làm tốt công tác quân sự địa phương, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước và tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở Hà Nội - chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không". Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Ních-Xơn (1972 - 1973) bị thất bại hoàn toàn. Đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng hoàn toàn các hoạt động chống phá miền Bắc (15/1/1973) và ký Hiệp định Pa-ri ngày 27/1/1973, cam kết rút hết quân viễn chinh và chư hầu về nước. Từ năm 1973, miền Bắc nước ta được trở lại hòa bình. Lịch sử Thường Tín cũng chuyển sang một thời kỳ mới.


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t