Dự kiến xét công nhận 5 làng nghề truyền thống năm 2019 (14:29 28/08/2019)


HNP - Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 17/KH-CCPTNT, triển khai một số nội dung Chương trình xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” năm 2019.

Từ khi Quyết định số 85/2009/QĐ-UBND ngày 2/7/2009 của UBND thành phố có hiệu lực đến nay, UBND thành phố đã xét công nhận cho 51 làng nghề, làng nghề truyền thống. Việc xây dựng kế hoạch xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” là rất cần thiết. Theo đó, năm 2019 sẽ thực hiện xét công nhận nghề truyền thống: Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và thực hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra nhũng sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Về thực hiện xét công nhận làng nghề: Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.

Làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống. Số lượng xét công nhận dự kiến 5 làng nghề; thời gian triển khai trong quý III và IV năm 2019 nhằm ghi nhận những đóng góp của làng nghề và tôn vinh các sản phẩm của làng nghề truyền thống. Khuyến khích, động viên thợ thủ công trong các làng nghề, làng nghề truyền thống có trình độ cao về kỹ thuật tay nghề và kinh nghiệm trong sản xuất: Nghiên cứu, sáng tác, phục hồi, phục chế các sản phẩm và nhân cấy nghề mới, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế và kỹ, mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu…

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong 1.350 làng nghề và làng có nghề có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, một số sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: Sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm...

Tổng doanh thu của 308 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Huyện Hoài Đức có một số làng nghề có doanh thu cao như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng). Huyện Thạch Thất có làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng...; thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ở mức 5-6 triệu đồng/lao động/tháng.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t