Cần tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quản lý chợ (21:20 29/08/2019)


HNP - Trong thời gian qua, nhất là những tháng đầu năm 2019, công tác quản lý chợ trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động chợ trên địa bàn đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá công tác phát triển và quản lý chợ vẫn còn những bất cập cần có sự chung tay, chung sức của các cấp, các ngành để khắc phục.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ, trong đó, có 15 chợ hạng 1, 56 chợ hạng 2 và 352 chợ hạng 3. Đến nay, tính chung trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 167/454 chợ (đạt 36,8%), còn 33/454 chợ chưa phân hạng, đã có 364/421 chợ phê duyệt phương án giá dịch vụ chợ (đạt 86,46%)... 
 
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1 là chợ đầu mối nông sản Minh Khai và Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam. Bên cạnh đó, còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long. Các chợ đầu mối vẫn đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối các mặt hàng nông sản thực phẩm của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội có 124 siêu thị, trong đó có 94/98 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm. Tỷ trọng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng rau, củ quả, thịt cá…
 
Nhằm đảm bảo công tác ATTP trong các chợ trên địa bàn, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở NN&PTNT và các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường công tác kiểm tra về ATTP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh trong chợ về ATTP. UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã xác nhận kiến thức về ATTP cho 20.267/21.416 người kinh doanh trong chợ (đạt 94,6%), ký kết đảm bảo ATTP cho 19.892/21.044 cơ sở kinh doanh trong chợ (đạt 95%). Một số địa phương đạt tỷ lệ cao như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Long Biên, Phúc Thọ, Mê Linh… 
 
Về công tác PCCC tại các chợ, theo kết quả điều tra của Cảnh sát PC&CC TP, đến nay, trên địa bàn Thành phố hiện có 198 chợ thuộc quản lý về PCCC (theo phụ lục I Nghị định 79/2014/NĐ-CP). Đối với 256 chợ còn lại do đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm tự đảm bảo an toàn PCCC. Cảnh sát PC&CC TP đã phối hợp với Sở Công thương thường xuyên rà soát danh sách các chợ còn tồn tại vi phạm về PCCC, hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC tại chợ trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, Cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra 1121 lượt cơ sở, phát hiện 2176 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính về PCCC 18 lượt cơ sở, đã ra quyết định đình chỉ 7 cơ sở, tạm đình chỉ 4 cơ sở. 
 
Đánh giá về công tác quản lý chợ, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, thời gian qua, các sở, ngành đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động về chợ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của các quận, huyện, thị xã công tác quản lý chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động chợ trên địa bàn đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động, một số chợ kinh doanh tốt số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên nhiều so với các năm trước đây. Hoạt động của các chợ đã góp phần tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa phương, thuận tiện cho việc mua bán đáp ứng yêu cầu của dân cư, nhất là khu vực ngoại thành.
 
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng cho rằng công tác phát triển và quản lý chợ vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Trong đó, hầu hết các chợ trên địa bàn, nhất là khu vực ngoại thành đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Công tác quản lý và phát triển chợ, triển khai quy hoạch tại các quận, huyện còn chậm, chưa đồng bộ. Mặc dù, đã phê duyệt được 100% Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ song một số địa phương chưa tích cực giải quyết các khó khăn vướng mắc dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thu ngân sách của thành phố…
 
Trong việc đầu tư vào các chợ đầu mối hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia do Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02 về phát triển và quản lý chợ có quá nhiều bất cập. Bên cạnh đó, do quy định hiện hành về đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, thành phố Hà Nội không thể phân bổ vốn đầu tư để thực hiện dự án xây dựng chợ đầu mối.
 
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, khai thác chợ, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho rằng các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền cần có cơ chế hỗ trợ, như: miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đầu tư xây dựng chợ… Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, cần có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh trong từng trường hợp được giao, hoặc cho thuê điểm kinh doanh. Trước mắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ đang do nhà nước quản lý, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. 
 
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chợ, Bộ Công thương cần kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/NĐ-CP theo hướng có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê địa điểm kinh doanh; thủ tục giao, cho thuê điểm kinh doanh; cũng như cách thức xử lý đối với các trường hợp hộ kinh doanh đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và đóng trước tiền thuê điểm kinh doanh để xây dựng chợ từ những năm 1995 (trước khi 2 Nghị định nêu trên có hiệu lực). Đồng thời, quy định rõ hơn việc liên quan đến quyền sở hữu, quyền định đoạt, quyền sử dụng đất chợ, tài sản trên đất, điểm kinh doanh chợ. Theo đó, Nhà nước (hoặc doanh nghiệp, HTX được Nhà nước giao quản lý kinh doanh, khai thác chợ) có quyền sở hữu đất chợ, có quyền định đoạt đất chợ, điểm kinh doanh tại chợ; hộ kinh doanh có quyền sở hữu điểm kinh doanh tại chợ (không có quyền định đoạt, sở hữu đất chợ) thông qua việc ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ.
 
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn thành phố năm 2019 đợt 1;… sửa đổi Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND, ngày 31/1/2016, của UBND thành phố về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn thành phố cho phù hợp với các quy định.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t