Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt: Bài bản, căn cơ, gia tăng giá trị (20:54 10/04/2019)


HNP - Quá trình tái cơ cấu trồng trọt của TP Hà Nội thời gian qua đã và đang chuyển biến rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn thực phẩm. Không chỉ có vậy, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Những kết quả bước đầu

Điểm nổi bật trong bức tranh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội là đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn với giá trị gia tăng từ 3 đến 8 lần so với trồng lúa. Trong đó, chủ yếu là chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây rau và cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, đã xây dựng, phát triển được 154 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành; 101 vùng trồng rau an toàn tập trung với quy mô tập trung từ 20ha trở lên; 50 vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20ha/vùng; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể...

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nhờ chú trọng cho công tác tái cơ trồng trọt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tìm ra thế mạnh để tập trung nguồn lực, từng phước phát huy thế mạnh. Đến nay, đối với cây trồng hàng năm của thành phố bình quân khoảng 271.161ha, tăng 40% so với 10 năm trước đây, trong đó, chủ yếu là cây lúa với diện tích gieo cấy 189.862ha/năm, ngô 19.101ha, lạc 3.457ha, đậu 8.183ha và cây rau các loại 33.537ha/năm. Đáng nói, năng suất cây trồng và sản lượng đều tăng do được thâm canh, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tương tự, với cây lâu năm với diện tích khoảng 21.281ha, trong đó: Cây xoài 516ha, cam, quýt và cây ăn quả có múi 6.262ha, cây nhãn 1.809ha, cây vải 890ha cho thu nhập bình quân từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm; một số diện tích cho thu nhập từ 700 đến 800 triệu đồng trở lên/ha/năm.

Một kết quả đạt được trong tái cơ cấu trồng trọt không thể không nhắc tới là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, trong canh tác rau đã có 119ha nhà lưới, 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; có 5 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 458m2; trong canh tác hoa có khoảng 110ha bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu; tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện nay là 68,3ha; cây ăn quả có 924,5ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.

Những thành quả trên là kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt của thành phố Hà Nội, khẳng định hướng đi đúng trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, thời gian tiếp theo, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng: Tập trung xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm chủ lực. Phấn đấu, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt từ 1,5 đến 1,7%; thu nhập trên một héc ta tăng khoảng 3%/năm; sử dụng giống cây trồng bảo đảm chất lượng (giống nguyên chủng và xác nhận đạt trên 90%); có 50% diện tích cây trồng trở lên được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao (lúa hàng hóa chất lượng cao, hoa, rau, củ, quả an toàn); chuyển đổi 1.850ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, kết hợp phát triển các mô hình du lịch dịch vụ, sinh thái.

Trên cơ sở quy hoạch, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ định hướng cơ cấu lại một số cây trồng chính. Chẳng hạn, cây lương thực, sẽ phát triển các vùng trồng lúa tập trung, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2020 có 55.000 đến 60.000ha sử dụng giống cấp nguyên chủng, định hướng phát triển tại các huyện: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh. Đối với cây ngô, ổn định diện tích hiện có, tập trung tại các vùng đồi gò, vùng đất bãi ven sông, vùng trồng lúa khó khăn về nguồn nước, kém hiệu quả, định hướng phát triển tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh,... 100% diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai, có năng suất, chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến.  

Tương tự, với cây rau, toàn thành phố phấn đấu đến năm 2020, diện tích được sản xuất theo quy trình an toàn từ 34.000 đến 35.000ha. Diện tích hoa, cây cảnh từ 6.500 đến 7.000ha (trong đó có 3.000ha trồng chuyên canh). Cây ăn quả phát triển từ 17.000 đến 17.500ha (trong đó có 9.000ha trồng tập trung). Cây chè, ổn định diện tích từ 3.000 đến 3.500ha, tập trung thay thế các giống chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao tại các vùng đồi gò huyện Sóc Sơn, Ba Vì, trong đó, đến năm 2020 có 556ha chè được ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố sẽ phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu ở: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ,... từ đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Với cách làm bài bản, căn cơ, đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chắc chắn ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tạo bước đột phá mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t