Bài 1: Ngành Công thương Hà Nội ổn định bộ máy tổ chức sau hợp nhất (17:37 28/07/2018)


HNP - Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Sở Công thương Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng, ổn định tổ chức bộ máy và rà soát lại các cơ chế chính sách để tham mưu cho Thành phố có những quyết sách đúng đắn trong việc phát triển công nghiệp - thương mại Thủ đô.

Từ nhất thể hóa bộ máy
 
Sở Công thương Thành phố Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công Thương Hà Nội với Sở Công Thương tỉnh Hà Tây, trên thực tế là sự hợp nhất của 4 Sở gồm: Sở Công nghiệp Thành phố Hà Nội, Sở Thương mại Thành phố Hà Nội, Sở Công nghiệp Tỉnh Hà Tây, Sở Thương mại Tỉnh Hà Tây.  Ngay sau hợp nhất, tập thể Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở đã tiếp tục chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy và triển khai ngay các giải pháp thực hiện nhiệm vụ được Thành phố giao, trên cơ sở đảm bảo tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức và các đơn vị trực thuộc Sở. Đây chính là những tiền đề cơ bản để các nhiệm vụ công tác QLNN của Sở vẫn được tập trung triển khai, đôn đốc thực hiện đảm bảo nội dung, tiến độ kế hoạch đặt ra trên tất cả các lĩnh vực công tác, góp phần vào sự tăng trưởng chung của công nghiệp - thương mại trên địa bàn Thủ đô.   
 
Ngay sau khi hợp nhất, Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở đã tập trung thực hiện công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng trong tập thể cán bộ cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc, nhằm thúc đẩy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ quan Sở và đơn vị trực thuộc nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo, phối hợp, hỗ trợ, hợp tác trong thực thi công việc, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhìn chung sau hợp nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đảm bảo thống nhất, tập trung, thông suốt và nhanh chóng đi vào nề nếp; tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ quan và các đơn vị trực thuộc đều ổn định tư tưởng, yên tâm công tác không có biểu hiện tiêu cực trong công tác và sinh hoạt.
 
Tiếp đó, Sở đã chủ động trong công tác kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, đoàn thể và bộ máy chuyên môn. Đảng bộ sau hợp nhất có 233 đảng viên. Đảng ủy cơ quan Sở đã tổ chức lại và thành lập 18 Chi bộ trực thuộc, theo nguyên tắc tương ứng với cơ cấu bộ máy chuyên môn, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa công tác lãnh đạo của đảng và công tác điều hành nhiệm vụ chuyên môn của từng phòng, ban nghiệp vụ cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc. Đến nay, Đảng bộ Sở Công Thương có 12 Chi bộ trực thuộc và 282 đảng viên. Các Tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên cơ quan Sở Công thương Thành phố Hà Nội được hợp nhất theo đúng quy định pháp luật.
 
Theo đánh giá, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế, bố trí cán bộ của Sở đã được thực hiện theo đúng quy định của Thành phố và Chính phủ, đảm bảo tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ; việc di chuyển trụ sở Cơ quan diễn ra khẩn trương, an toàn, tiết kiệm và không để thất thoát tài sản; bộ máy tổ chức đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động bình thường, không gây ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước.
 
Đến nhất thể hóa cơ chế, chính sách
 
Ngay sau khi hợp nhất, Sở Công thương Hà Nội đã thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan đến các cơ chế chính sách của Thành phố Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình. Từ đó, tham mưu, xây dựng mới các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và tăng cường quản lý trong lĩnh vực công thương trên địa bàn. Riêng năm đầu tiên sau hợp nhất, Sở đã tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành 07 văn bản QPPL thuộc lĩnh vực công thương, sau 10 năm đã tham mưu trình UBND Thành phố ban hành 61 văn bản QPPL. Hàng năm, Sở duy trì đánh giá lại, kết hợp với đánh giá mở rộng Hệ thống quản lý chất lượng ISO của Sở gồm; Từ 14 quy trình tác nghiệp (năm 2011), đến nay đã có 58 quy trình  tác nghiệp được đánh giá và công bố hiệu lực, 100% các TTHC được xây dựng quy trình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008.
 
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC đã được tổ chức hoạt động ngay từ ngày 01/8/2008 đảm bảo việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Đến thời điểm hiện tại, sau 10 năm hợp nhất, số lượng TTHC của Sở đang giải quyết là 127 TTHC. 100% các TTHC được niêm yết công khai và tiếp nhận tại Bộ phận một cửa. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được trả đúng và trước hạn. Ngoài ra, các phòng chuyên môn đã chủ động thực hiện việc đề xuất đơn giản hóa thực hiện TTHC căn cứ điều kiện hoạt động thực tế của mình; xây dựng phương án đề xuất giảm thời gian thực hiện đối với các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở, bình quân, thời gian giải quyết các TTHC được cắt giảm từ 25 - 40%.
 
Đặc biệt, Sở Công thương đã tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4915/QĐ-UBND ngày 07/9/2016 công bố Bộ TTHC trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 150 TTHC, trong đó, 127 TTHC cấp Sở (67 TTHC mới, thay thế, tách từ TTHC đã thực hiện để theo đúng Bộ TTHC của Bộ Công Thương); 14 TTHC cấp Huyện (05 TTHC mới); 04 TTHC cấp xã và 05 TTHC thực hiện theo quy trình liên thông. Từ đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Hiện nay, Sở Công Thương đang tổ chức thực hiện có hiệu quả 07 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (03 dịch vụ công do UBND Thành phố triển khai và 04 dịch vụ công trực tuyến do Sở triển khai) giải quyết 15 TTHC. Thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn TP Hà Nội. Riêng trong năm 2017, Sở Công Thương đã hoàn thiện và triển khai 03 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (từ 01/3/2017) và tiếp tục khảo sát xây dựng 65 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo Kế hoạch năm 2017.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t