Phát huy giá trị của di tích: Còn nhiều tồn tại, hạn chế (09:21 17/09/2017)


HNP - Trong những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đã được Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại khiến các cấp quản lý phải trăn trở.

Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích, bao gồm các loại hình khác nhau. Tổng số di tích đã được xếp hạng (tính đến tháng 12/2015) là 2.396 di tích, trong đó có: 01 di sản thế giới; 01 di sản tư liệu thế giới; 11 di tích quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích quốc gia; 1.202 di tích cấp Thành phố.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Thăng Long  - Hà Nội. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến trong nhân dân về công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Hà Nội với công chúng trong và ngoài nước.

Công tác quản lý, sử dụng di tích đã được Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện và phân cấp cho các quận, huyện, thị xã. Thành phố quản lý các di tích quan trọng đặc biệt, cấp huyện quản lý trực tiếp một số di tích tiêu biểu của địa phương và giao quyền quản lý di tích cho cấp xã. Việc phân cấp, phân công quản lý di tích đã được cụ thể hóa và phát huy hiệu quả trong thực tiễn; có tác dụng nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, tăng tính chủ động trong việc xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Công tác chống xuống cấp, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cũng được Thành phố quan tâm. Trong giai đoạn từ 2012 đến tháng 5/2017, có khoảng 200 lượt di tích trên địa bàn Thành phố được tu bổ lớn, chống xuống cấp. Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012 - 2015, Thành phố đã bố trí ngân sách trên 570 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, trong đó, đầu tư khoảng 270 tỷ đồng cho các di tích do Thành phố quản lý. Cùng với đó, nhiều quận, huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được sự đóng góp lớn từ các tổ chức, cá nhân và những người hảo tâm. Tổng số kinh phí xã hội hóa từ năm 2012 đến năm 2017 trên địa bàn Thành phố ước thực hiện khoảng 1.207 tỷ đồng.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Những kết quả đạt được trong công tác quản lý di tích rất đáng ghi nhận, nhưng Ban Văn hóa Xã hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, tồn tại. Đó là số lượng di tích có giá trị đã bị xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo nhiều. Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố có 2.235 di tích xuống cấp các hạng mục chính, có trên 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nặng cần được đầu tư, tu bổ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn công đức còn bất cập, hiện tại nguồn công đức tại các chùa phần lớn do các vị trụ trì quản lý, chưa có sự giám sát của chính quyền địa phương, việc quản lý thu - chi nguồn công đức chưa được thực hiện công khai minh bạch và hiệu quả. Nhiều di tích còn hiện tượng đặt nhiều hòm công đức; sắp xếp đồ thờ nội tự lộn xộn, không đảm bảo ngăn nắp nơi thờ tự; việc quản lý các đồ thờ tự, tượng pháp, di vật, cổ vật trong các di tích ở một số địa phương còn buông lỏng dẫn tới làm thất thoát các cổ vật có giá trị.

Một hạn chế nữa đó là chất lượng tu bổ di tích ở một số địa phương chưa đạt yêu cầu; trong quá trình tu bổ di tích còn để xảy ra sai phạm. Thời gian thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt tu bổ di tích ở một số dự án còn kéo dài, quy trình phức tạp, nhiều điểm còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại địa phương; việc cam kết nguồn vốn đầu tư trong trường hợp sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cơ cấu nguồn vốn cũng như bảo đảm tính khả thi của việc huy động nguồn vốn xã hội hóa khiến địa phương gặp lúng túng trong khiển khai thực hiện; mặt khác việc huy động nguồn vốn xã hội hóa của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và nhân dân để tạo nguồn kinh phí tu bổ sửa chữa, nâng cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của Thủ đô. Việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ xếp hạng di tích cấp Trung ương và Thành phố ở một số địa phương còn chậm.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích ở Hà Nội hiện nay còn chưa đồng đều; một số cán bộ làm công tác liên quan đến di tích tại cơ sở chưa được đào tạo về nghiệp vụ, chủ yếu kiêm nhiệm nên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thời gian dành cho công tác tôn giáo, di tích. Đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc bảo tồn di tích; công tác thông tin, liên lạc giữa các cấp quản lý chưa có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, kiểm tra, giám sát công việc; hoạt động của các Ban quản lý di tích chưa đồng đều, tương đối độc lập, ít có sự thông tin, trao đổi, phối hợp trong các hoạt động chuyên môn cũng như thực hiện chế độ báo cáo. Hầu hết các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng chế độ đãi ngộ cho người trông nom di tích (Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND Thành phố).

Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến việc hạ giải, thay thế một số hạng mục cấu kiện chưa đúng quy định, nhất là đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hoá. Công tác cắm mốc giới bảo vệ di tích còn hạn chế; các hoạt động bảo tồn, tuyên truyền và phát huy giá trị di tích cũng chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng vi phạm, lấn chiếm di tích, còn có hiện tượng người dân chiếm dụng khuôn viên di tích làm nơi ở và sinh hoạt hoặc trở thành diện tích tự quản của cơ quan, đơn vị, trường học.

Ngoài ra, công tác tổ chức lễ hội tại các điểm di tích còn một số bất cập: vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách du lịch, nâng giá dịch vụ, trông giữ xe ô tô, xe máy cao hơn so với quy định; tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định, thói quen gài tiền, thả tiền, đốt vàng mã của khách hành hương vẫn diễn ra...


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t