Hiệu quả từ chương trình liên kết ngoại ngữ trong các trường công lập (11:24 15/05/2017)


HNP - Trước xu thế hội nhập của Thủ đô và đất nước, việc liên kết đào tạo ngoại ngữ cho học sinh là rất cần thiết. Hà Nội đã triển khai Đề án dạy và học nggoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Đến nay, mặc dù còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn trong quá trình thực hiện, song Đề án đã thực sự phát huy hiệu quả, thu hút học sinh say mê học tập cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ của học sinh.

Tiết học ngoại ngữ liên kết tại trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm


Hiện nay, toàn Thành phố có hơn 1.000 trường ở các cấp học triển khai dạy học bổ trợ tiếng Anh theo chương trình giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường công lập trên địa bàn. Cụ thể, cấp Mầm non có 215 trường phối hợp với 12 Trung tâm ngoại ngữ tham gia chương trình; cấp Tiểu học có 652 trường phối hợp với 15 Trung tâm ngoại ngữ; cấp THCS có 145 trường phối hợp với 21 Trung tâm ngoại ngữ và ở cấp THPT, có 38 trường phối hợp với 8 Trung tâm ngoại ngữ tham gia chương trình. Chương trình liên kết dạy bổ trợ, làm quen ngoại ngữ tại Hà Nội được xây dựng với mục tiêu khá rõ ràng, giúp học sinh làm quen với ngoại ngữ ở chương trình ngoại khóa với cấp Mầm non và Tiểu học khối lớp 1, 2, và dạy bổ trợ theo chương trình của Bộ GD&ĐT với cấp phổ thông. Đồng thời, kết hợp với đội ngũ giáo viên bản ngữ tạo môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
 
Qua khảo sát của HĐND TP Hà Nội tại một số trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn 4 quận, huyện ở Hà Nội cho thấy, phần lớn học sinh rất hào hứng, thích thú với chương trình ngoại ngữ liên kết. Tại Trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm có 1.451/1.453 học sinh theo học chương trình liên kết dạy tiếng Anh; Trường THCS Thanh Liệt, huyện Thanh Trì có 86% số học sinh theo học chương trình; Trường tiểu học Ngọc Lâm, quận Long Biên chỉ có 4 em trong tổng số 1.715 học sinh không học chương trình này... Con số thống kê phần nào cho thấy, các em học sinh rất hào hứng với việc học tiếng Anh từ chương trình liên kết. Lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đánh giá, chương trình liên kết mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc học tập ngoại ngữ, văn hóa, kỹ năng cho học sinh. Các em được học trực tiếp với giáo viên nước ngoài và tham gia các hoạt động ngoại khóa... Nhờ đó, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, được rèn phản xạ và tư duy bằng tiếng Anh, hình thành phương pháp học ngoại ngữ rất hiệu quả. 
 
Còn theo lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, hiện nay, các trường công lập trên địa bàn quận đang thực hiện liên kết giảng dạy ngoại ngữ với một số Trung tâm ngoại ngữ giảng dạy bổ trợ. Cụ thể, 80% các trường mầm non, 100% các trường khối tiểu học, 90% các trường khối THCS có liên kết với các Trung tâm ngoại ngữ giảng dạy bổ trợ 1 hoặc 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, thông tin cung cấp từ các trường cho biết, ở các cấp việc đăng ký học liên kết đào tạo ngoại ngữ có sự chênh lệch. Nếu bậc Mầm non chỉ có khoảng 20% học sinh, cấp THCS có khoảng 30% học sinh tham gia chương trình này thì ở cấp tiểu học, số lượng học sinh đăng ký lại chiếm đến 90%. 100% các Trung tâm tham gia dạy liên kết ở quận Ba Đình đều được thực hiện đúng quy trình quy định của Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT phê duyệt Kế hoạch liên kết vào thời điểm đầu năm học bảo đảm thực hiện đúng quy trình liên kết. 
 
Cùng với những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại trong vấn đề liên kết đào tạo ngoại ngữ. Trong đó, chỉ tiêu biên chế giáo viên giảng dạy tiếng Anh đối với cấp tiểu học, THCS thấp hơn so với nhu cầu thực tế (hiện tại, biên chế giao cấp tiểu học mỗi trường 1 giáo viên trong khi nhu cầu cần khoảng 5,5 lớp/1 giáo viên). Chất lượng giáo viên là người nước ngoài đã kiểm soát thông qua giáo viên tiếng Anh của trường, song, chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể. Do hạn chế về trình độ ngoại ngữ, nên Ban giám hiệu của một số trường kiểm tra, đánh giá chất lượng chương trình giảng dạy, việc quản lý chủ yếu thông qua đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ trong biên chế của trường. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư việc dạy và học ngoại ngữ ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt có nơi được trang bị thiết bị dạy ngoại ngữ nhưng chưa sử dụng vì thiếu phòng học. Việc hoàn thiện hồ sơ, ký kết hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ của một số trường cũng còn thiếu chặt chẽ về mặt pháp lý, đặc biệt là việc giám sát nội dung, chương trình giảng dạy của giáo viên đến từ các trung tâm…
 
Từ những thực tế còn tồn tại, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã đề nghị UBND Thành phố nên sơ kết đánh giá việc thực hiện đề án, kế hoạch dạy và học ngoại ngữ, trong đó cần đánh giá sự cần thiết, hiệu quả mô hình làm quen tiếng Anh cấp học mầm non, lớp 1 - 2 và bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 12. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2020 theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn đầu ra. Đối với Sở GD&ĐTcùng các quận, huyện, thị xã phải sớm có quy định về mức thu học phí các chương trình liên kết cho các trường theo phân cấp quản lý đang thực hiện dạy và học ngoại ngữ liên kết (theo 2 đối tượng đại trà và chất lượng cao) tạo sự thống nhất. Ngoài ra, cũng cần rà soát và đầu tư bổ sung phòng học ngoại ngữ, phòng đa phương tiện và trang thiết bị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ của các trường. Tăng cường tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ngoại ngữ, đẩy mạnh quản lý đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ngoại ngữ là người nước ngoài...

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t