Biểu dương 95 Chủ tịch Chủ tịch Công đoàn xuất sắc tiêu biểu Thành phố (14:17 18/07/2024)


HNP - Sáng 18/7, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và tuyên dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu.  

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao biểu trưng cho cán bộ CĐ tiêu biểu xuất sắc


Dự Chương trình có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Phạm Thị Thanh Mai,Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nộị.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu dự lễ kỷ niệm
 
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết: Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Đồng hành cùng với sự hình thành và phát triển 95 năm qua của Công đoàn Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Ngày 31/7/1946, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội chính thức được thành lập thay cho Hội Công nhân cứu quốc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) cùng một lúc công nhân lao động Hà Nội đã triển khai cuộc đấu tranh cách mạng trên tất cả các mặt trận: Chính trị, quân sự, kinh tế vừa để đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của địch, vừa góp phần quan trọng trong xây dựng bảo vệ chế độ. Ở mọi thời điểm và hoàn cảnh, công nhân Hà Nội đã thể hiện đậm nét tinh thần cách mạng đó là tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
 
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh trình bày diễn văn
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Hà Nội đã phát động, thực hiện nhiều phong trào thi đua, điển hình là phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong khoa học kỹ thuật; phong trào “Vượt định mức dành 3 điểm cao”…
 
Sau khi thống nhất đất nước (1975), các cấp Công đoàn Thủ đô cùng với phong trào công nhân cả nước thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn cả nước. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là “Phát động, tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất và tiến quân vào khoa học, kỹ thuật với khí thế cách mạng sôi nổi và tinh thần hăng hái như đánh giặc cứu nước”; thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
 
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1986 đến nay, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và đất nước, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Công đoàn các cấp, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chức năng ngày càng có hiệu quả; khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong hệ thống chính trị và trong xã hội, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn Thủ đô và phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn của cả nước.
 
Trong lịch sử 95 năm xây dựng và trưởng thành của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn thành phố Hà Nội nói riêng luôn có sự đóng góp quan trọng của các Công đoàn cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng phát triển lớn mạnh.
 
Hoạt động của các Công đoàn cơ sở từng bước đi vào nền nếp và ổn định hơn, thực chất hơn, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động... Có được kết quả trên, không thể không nhắc tới đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở nói chung, đặc biệt là 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu đại diện cho trên 9.000 Chủ tịch Công đoàn cơ sở được các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động lựa chọn, tuyên dương.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng hoa chúc mừng tổ chức Công đoàn Thủ đô
 
Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội phát động và triển khai Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển” trong CNVCLĐ Thủ đô.
 
Hội thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; về hành trình xây dựng và phát triển của Công đoàn Hà Nội. Hội thi là đợt sinh hoạt, tuyên truyền rộng rãi về sự hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam và Thủ đô Hà Nội; tuyên truyền về những đóng góp của CNVCLĐ trong việc xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại bằng hình thức sân khấu hóa. Hội thi được tổ chức sơ khảo ở cơ sở từ dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và chung khảo cấp Thành phố vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phòng Thủ đô.
 
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Quang Thanh đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức triển khai Hội thi sâu rộng tới các cấp Công đoàn, tạo không khí sôi nổi, hào hứng, tạo sức lan tỏa tới cơ sở, được đông đảo CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn tham gia.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Chương trình
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, trong suốt hành trình 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn làm tốt nhiệm vụ vận động, tổ chức công nhân lao động đoàn kết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi giai cấp công nhân và người lao động, phấn đấu không ngừng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
 
Từ kết quả phong trào CNVCLĐ, hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đóng góp quan trọng giữ vững ổn định chính trị và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố. Thường trực Thành ủy đánh giá cao những cống hiến to lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ Thủ đô vào những kết quả chung của Thành phố.
 
Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ, lãnh đạo Thành phố mong muốn các cấp Công đoàn cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt một số nội dung.
 
Trước hết, tiếp tục tập trung thực hiện các chức năng cốt lõi của tổ chức là chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đời sống văn hoá, tinh thần, khen thưởng, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, giám sát hợp đồng lao động... xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
 
Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ đoàn viên, công chức, viên chức,người lao động phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khoẻ, kỹ năng lao động, phong cách làm việc, sẵn sàng tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức mới, đáp ứng yêu cầu 4.0; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô, đưa năng suất chất lượng lao động của Thủ đô đứng đầu cả nước.
 
Bên cạnh đó, phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu. Các phong trào cần hướng về cơ sở, quan tâm đến cán bộ Công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp ở cơ sở; lấy cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy người lao động là đối tượng phục vụ.
 
Trước mắt, tổ chức tốt các phong trào thi đua tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội 17 Công đoàn Thủ đô và Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam; phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác lớn của Thành ủy, chủ đề hàng năm của Thành phố bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi đoàn viên công đoàn tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; đồng thời thực hiện tốt các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.
 
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, các cấp Công đoàn Hà Nội đã biểu dương, khen thưởng 1.930 Chủ tịch Công đoàn cơ sở, (khối ngoài Nhà nước: 651, khối Hành chính sự nghiệp: 388, khối Giáo dục: 652).
 
Đối với cấp Thành phố, LĐLĐ Thành phố biểu dương 95 Chủ tịch Chủ tịch Công đoàn xuất sắc tiêu biểu, trong đó, khối ngoài Nhà nước: 54, khối Hành chính sự nghiệp: 23, khối Giáo dục 21.
 
 Tọa đàm, giao lưu với 3 gương cán bộ Công đoàn qua các thời kỳ
 
Cũng trong khuôn khổ Chương trình, đã diễn ra Tọa đàm, giao lưu với 3 gương cán bộ Công đoàn qua các thời kỳ, gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Siêu thị BIG C Thăng Long (trực thuộc LĐLĐ quận Cầu Giấy) và bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t